Dân Việt

Vang danh nhờ dâu tây VietGAP

14/09/2011 06:01 GMT+7
(Dân Việt) - 1.000m2 dâu tây của gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận ngày 7.1.2005. Đây là một trong những mô hình điển hình đầu tiên của tỉnh về sản xuất sạch và an toàn theo VietGAP.

Anh Tuấn cho biết, trồng dâu theo VietGAP cho năng suất bình quân 6 - 7 tấn/1.000m2, tăng hơn 15 - 20% so với thông thường. Chất lượng quả cũng được cải thiện hơn, màu sắc đẹp, có mùi thơm, trái chắc và to hơn, tỷ lệ đồng đều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn 90%.

Bên cạnh đó, nếu sản xuất lâu dài thì chi phí được tiết kiệm đáng kể, do duy trì được độ phì nhiêu cho nền đất, cải tạo được những địa hình trước đây từng bị phong hóa, bạc màu do địa hình đất đồi dốc, đặc biệt mang lại môi trường thân thiện và an toàn cho mọi người dân ở vùng nông thôn.

img
Vườn dâu tây sạch bệnh nhà anh Tuấn đã ra thị trường thế giới.

 

Toàn bộ diện tích trồng dâu tây của anh Tuấn được trồng trong nhà kính cao 4 - 5m, giàn khung bằng sắt V6, có sơn chống gỉ, mái lợp bằng tấm nhựa trong không màu, xung quanh rào kín bằng lưới chống côn trùng và không để người mua vào vườn dâu nhằm cách ly dịch, sâu bệnh.

Hệ thống canh tác cũng dựa trên cơ sở kiểm soát được các mối nguy liên quan đến an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình từ đất, nguồn nước, giống phân bón, hóa chất, động vật gây hại… từ sản xuất đến thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

Theo anh Tuấn, hiện có ít nông dân trồng dâu theo hệ thống an toàn ở Đà Lạt vì công chăm sóc và chi phí đầu tư ban đầu cao. “Nhưng bù lại với giá hiện nay từ 100.000 – 120.000 đồng/kg (giá bán tại vườn), cao hơn vườn trồng theo kiểu truyền thống từ 30 – 50%, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng và giữ được loại cây đặc sản của thành phố Đà Lạt” – anh Tuấn tâm sự.

Hiện hàng năm, bình quân 1.000m2 dâu tây, nhà anh bán được từ 600 - 700 triệu đồng. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, còn lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Anh đã giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, góp tiền làm đường nông thôn, xóa nhà tạm và giúp đỡ các hộ nghèo trong tỉnh.

Bên cạnh đó, sản xuất theo VietGAP đã giúp anh xây dựng được một kỹ năng quản lý bài bản, lên chương trình, kế hoạch cụ thể. Từ đó, việc xây dựng thương hiệu cũng dễ dàng hơn. Hiện thương hiệu dâu tây Bà Lan của gia đình anh đã nức tiếng khắp Đà Lạt.

Không những thế, nhờ có chứng chỉ này, dâu tây Bà Lan Đà Lạt đang từng bước xuất khẩu qua các nước Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan,… Từ đó, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài ghé thăm vườn dâu nhà anh.