Yêu nhau được 4 tháng thì Nguyễn Thị M (sinh viên năm 3, Hà Nội) và bạn trai đã “nếm trái cấm”. Vì bạn trai không chịu dùng “áo mưa” nên M. thường tính ngày an toàn, còn nếu không an toàn thì lại phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Một tháng uống thuốc tránh thai khẩn cấp 4-5 lần. Tuy nhiên, chỉ được 3 tháng thì M. thấy mình bị chậm “đèn đỏ”. Lo sợ, M. lên mạng tìm hiểu và được mách mua que thử thai về thử, đợi đến buổi tối, khi bạn bè trong ký túc xá ngủ hết mới dám sử dụng.
Thấy que thử chỉ có 1 vạch, M. cũng thở phào nhẹ nhõm. Dù không có “đèn đỏ” nhưng M. cũng chỉ nghĩ do mệt mỏi nên kinh nguyệt bị gián đoạn vì trước đây cô cũng hay bị thất thường. Tuy nhiên, gần hai tháng sau, M. thấy mệt mỏi, buồn nôn, bụng chướng to. Lúc này, M. mới hoảng hốt đi khám thì bác sĩ cho biết, cái thai đã gần 3 tháng, nếu lúc này phá thai sẽ rất nguy hiểm. Bác sĩ cho biết, có thể lúc dùng que thử thai vào buổi tối, thai còn nhỏ nên dấu hiệu không rõ.
Trong khi M. khóc ròng thì chị Tạ Hồng Lịch (Ba Đình, Hà Nội) lại mừng hụt. Chị đã kết hôn được 2 năm mà vẫn chưa có con. Bố mẹ hai bên đều giục giã, vợ chồng chị cũng rất sốt ruột. Thời gian gần đây, chị bắt đầu “canh trứng” để tăng khả năng “trúng độc đắc”. Từ ngày kinh nguyệt thứ 10 đến 16 là hai vợ chồng chị lại tăng tốc “yêu”. Còn từ ngày thứ 20 trở đi là chị lại mua hàng chục que thử thai về để hồi hộp chờ đợi dấu hiệu có đứa con chào đời. Gần đây, khi que thử thai lên hai vạch mờ mờ, chị đã mừng phát khóc, nhưng chưa kịp vui thì lại có “đèn đỏ”.
Dùng que thử sau 5-7 ngày chậm kinh là chính xác nhất.
“Suốt mấy tháng nay tôi sống trong phập phồng. Vì đang họp vợ nhắn tin: “Chồng ơi, nhiệt độ cơ thể em tăng cao, về ngay”, có lúc lại đang đi đường cũng phải rồ ga về gấp. “Yêu” bất kể giờ giấc, cảm hứng đã cụt hứng rồi. Cứ đến cuối tháng lại thấy vợ ngồi trong nhà vệ sinh với hàng loạt cốc đựng que thử thai. Que 1 vạch đỏ là vợ lại nước mắt ngắn dài. Có khi hoa mắt nhìn thấy hai vạch, vợ lại nhảy lên la hét nhưng vài ngày sau lại có “đèn đỏ” thì lại ngồi khóc. Tôi cũng căng thẳng quá rồi” – anh Hùng – chồng chị Lịch ngao ngán.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, que thử thai là cách đơn giản và khá chính xác để biết bạn có thai hay không. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng thì kết quả vẫn sai lệch.
Theo bác sĩ Đức, que thử thai là một dụng cụ xét nghiệm định tính nhằm phát hiện nồng độ hormone hCG (hormone thai kỳ) trong nước tiểu. Thông thường khi kinh nguyệt chậm 7 ngày thì dùng que thử thai sẽ cho kết quả chính xác nhất. Việc thử nước tiểu cũng nên vào sáng sớm, khi nồng độ hormone thai kỳ cao nhất. Cũng có trường hợp, sau quan hệ tình dục 7-10 ngày thì cũng có thể cho kết quả, tuy nhiên, độ chính xác không cao.
Do đó, với những phụ nữ thử thai quá sớm, vào buổi tối thì thường cho kết quả không chính xác. Việc uống nước nhiều để có “nước” thử thai cũng có thể làm sai lệch kết quả vì nồng độ hormone thai kỳ có thể thấp. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc an thần có thể khiến kết quả phập phù.