Dân Việt

Vụ bổ nhiệm “hotgirl xứ Thanh” nằm trong 27 biểu hiện suy thoái

Lương Kết (thực hiện) 03/04/2017 14:39 GMT+7
"Vụ bổ nhiệm thần tốc cô Trần Vũ Quỳnh Anh là một trong những bằng chứng để thấy đánh giá của Nghị quyết TƯ 4 khóa XII là rất đúng thực trạng. Thao túng trong công tác cán bộ được xem là tham nhũng quyền lực. Loại tham nhũng này còn nguy hiểm hơn tham nhũng thông thường" - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định với Dân Việt.

Thưa ông, vụ việc Sở Xây dựng Thanh Hóa bổ nhiệm sai quy trình đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, kết luận thanh tra đã chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo ông bài học từ vụ xử lý ông Vũ Huy Hoàng sẽ giúp ích gì khi vụ xử lý này?

- Chắc sẽ phải xử lý theo hướng như T.Ư đã xử lý với vụ của ông Vũ Huy Hoàng. Hiện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh để xử lý về mặt Đảng trước, sau đó có cơ sở xử lý về mặt Nhà nước, chính quyền.

img

Vụ việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm thần tốc khiến dư luận xôn xao. (Ảnh: I.T)

Việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh là việc cố tình làm sai của người có trọng trách. Dư luận đặt nghi ngờ phải chăng có sức ép nào đó dẫn tới việc bổ nhiệm sai, ông nghĩ sao?

- Việc này phải nhận xét cho khách quan và thận trọng. Mới đây theo giải trình của Sở Xây dựng Thanh Hóa mà báo chí thông tin cho thấy bà Quỳnh Anh từ lúc thi tuyển dụng vào có điểm số cao. Khi tuyển công chức ngạch chuyên viên, rồi thi chức danh phó trưởng phòng, thi cạnh tranh chức danh trưởng phòng, tất cả điểm đều cao nhất (Tuy nhiên hôm qua, 2.4, lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa khẳng định đây không phải là phát ngôn chính thức của Sở mà do Chánh VP tự ý cung cấp cho báo chí và ông này đã phải làm kiểm điểm - PV).

Nhưng vấn đề dư luận đặt nghi ngờ là có tác động hay sự hậu thuẫn nào đó đằng sau việc bổ nhiệm thần tốc với bà Quỳnh Anh. Về ý này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cần phải làm rõ sự có tác động nào nữa hay không? Nếu có sự hậu thuẫn hay tác động từ trên thì người ta cũng dễ dàng chỉ đạo, chi phối kết quả thi tuyển.

Vấn đề quan trọng nữa là phải lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, nhân viên dưới quyền bà Trần Vũ Quỳnh Anh thời kỳ bà này còn làm phó rồi trưởng phòng của Sở Xây dựng, để họ đánh giá về năng lực của bà cho khách quan, chính xác. 

Các sai phạm trên lẽ ra được phanh phui sớm hơn nếu như việc đấu tranh bảo vệ lẽ phải trong nội bộ được phát huy, thưa ông?

- Vấn đề đấu tranh trong nội bộ, về quy định, trình tự có thể diễn ra. Nhưng vấn đề có hay không sự chi phối từ cấp cao hơn. Ở nhiều nơi người đứng đầu đơn vị hoặc hơn nữa gây áp lực, ảnh hưởng rất mạnh mẽ nên tập thể chỉ là nơi hợp thức hóa các quyết định của họ.

Ví dụ như trường hợp bà hiệu trưởng ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội vừa qua, chỉ khi nào tất cả cán bộ, nhân viên ở đó đồng thanh lên tiếng, sự thực về vụ cháu bé bị gãy chân trong sân trường mới được phơi bày.

Còn nếu không, sự ảnh hưởng của người đứng đầu chi phối buộc nhân viên cấp dưới phải tuân theo trình tự mà do người đứng đầu tạo ra. Chính vì thế cơ quan chức năng phải làm rõ, bên cạnh đó cần tập thể cán bộ, nhân viên ở đó đủ dũng khí nói ra sự thật.

Là thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2015, ông có băn khoăn gì qua vụ việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh?

- Điều tôi băn khoăn nhất chính là chất lượng cán bộ. Với cung cách làm việc bất chấp quy trình như ở vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh, chúng ta sẽ đưa vào hệ thống Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng những người không đúng phẩm chất, không đủ năng lực. Đây là điều không tốt đẹp gì cho bộ máy.

Vụ bổ nhiệm bà Quỳnh Anh mới chỉ là một vụ việc được tố giác. Tôi tự hỏi liệu còn có bao nhiêu vụ việc tương tự chưa được phát hiện? Nhân vụ việc này, các cơ quan, tổ chức cần có sự rà soát khi phát hiện ra phải xử lý nghiêm để chứng tỏ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc làm trong sạch bộ máy theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XII.

Ông có cho rằng vụ bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh có những dấu hiệu nằm trong 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết TƯ 4 khóa XII đã chỉ ra?

- Đúng thế, đấy là một trong những bằng chứng để thấy đánh giá của Nghị quyết TƯ 4 khóa XII là rất đúng thực trạng. Thao túng trong công tác cán bộ được xem là tham nhũng quyền lực. Loại tham nhũng này còn nguy hiểm hơn tham nhũng thông thường.

Bởi tham nhũng thường có thể hậu gây thiệt hại về kinh tế, khi phát hiện sớm có thể thu hồi một phần tài sản. Còn tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thì hậu quả khôn lường và rất khó phát hiện.

- Xin cảm ơn ông (!)