Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong sắc lệnh thứ nhất, ông Trump cho xem xét lại toàn bộ quan hệ trao đổi thương mại của Mỹ với các đối tác để tìm ra vì đâu mà Mỹ thâm hụt cán cân thương mại lớn đến như vậy và trong thời gian dài đến như vậy.
Ông Trump dùng sắc lệnh hành pháp thứ hai để vừa yêu cầu vừa trao thêm quyền cho các cơ quan hữu quan trong hệ thống chính quyền ở Mỹ áp dụng ngay những biện pháp cần thiết để trừng phạt những đối tác bị Mỹ cho là đã gây tổn hại cho kinh tế Mỹ và làm mất chỗ làm việc ở Mỹ thông qua những biện pháp như bù trợ xuất khẩu, thao túng tiền tệ hay không thực hiện đúng tinh thần và lời văn của những thoả thuận song phương cũng như đa phương về thương mại. Hàng loạt đối tác bị Mỹ nêu đích danh, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, Mexico, Canada, Đức, Pháp, Nhật Bản, Italy,...... Một số hãng sản xuất thép của Đức, Áo và Trung Quốc cũng bị Mỹ chỉ ra cụ thể.
Cách tư duy của ông Trump, của bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross, của cố vấn kinh tế và thương mại của ông Trump là ông Peter Navarro và của phó tổng thống Mỹ Mike Pence đều là Mỹ bị thua thiệt bởi các đối tác cạnh tranh không lành mạnh. Năm ngoái, tổng thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ là 502 tỷ USD, trong đó với Trung Quốc 347 tỷ USD, với Nhật Bản 69 tỷ USD và với Đức 65 tỷ USD.
Từ tình trạng nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu ấy, họ suy ra rằng chỗ làm việc dịch chuyển từ Mỹ ra nước ngoài và sự thịnh vượng của Mỹ bị bên ngoài "lấy cắp". Quan điểm này đã được ông Trump và cộng sự bộc lộ từ khi còn vận động tranh cử tổng thống và cũng từ đó mà ông Trump có những cam kết về thực thi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chống tự do hoá mậu dịch. Với hai sắc lệnh mới kia, ông Trump chứng tỏ quyết tâm thực hiện cam kết tranh cử và kiên định quan điểm.
Đấy là những dấu hiệu không còn là đầu tiên nữa và ngày càng thêm rõ nét về dông tố đang ập đến trong quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư giữa Mỹ và các đối tác bên ngoài. Phía Mỹ đang chuẩn bị về dư luận, chính trị và pháp lý cho những cuộc chiến tranh thương mại với các đối tác bên ngoài. Nghe những phát biểu của ông Trump và cộng sự thì không thể không nhận thấy họ hiện rất tự tin và cho rằng đang ở thế mạnh đủ mức để bắt buộc các đối tác bên ngoài phải chơi cuộc chơi của Mỹ theo những luật chơi của Mỹ.
Các đối tác bên ngoài có lợi ích rất thiết thực và to lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Mỹ nhưng chắc chắn sẽ không để cho Mỹ muốn làm gì thì làm, muốn giành về cái gì cũng được trong các mối quan hệ hợp tác ấy. Họ không chỉ chủ trương mà còn đã tham gia rất sâu rộng vào toàn cầu hoá, tự do hoá mậu dịch trên bình diện khu vực và thế giới cũng như phân công lao động quốc tế.
Họ có được thành quả phát triển và thịnh vượng quốc gia từ đó. Ngoài ra còn có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Mỹ là thành viên cũng như có nhiều thể chế, khuôn khổ, diễn đàn và tổ chức đa phương khác mà Mỹ tham gia. Mỹ đâu có phải chẳng hề phụ thuộc gì vào thế giới bên ngoài và đồng minh hay đối tác về mọi phương diện. Chủ nghĩa bảo hộ không giúp Mỹ bao bọc được hết mọi điểm yếu và dễ bị tổn thương về kinh tế và thương mại.
Vì thế, chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ gây thiệt hại cho các đối tác nhưng đồng thời cũng làm chính Mỹ bị thiệt hại, không trước mắt thì về lâu dài. Thực chất nguyên do cho thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ nằm ở khả năng cạnh tranh quốc tế của kinh tế Mỹ và ở bất cập trong cơ cấu kinh tế Mỹ. Ông Trump và cộng sự khuấy động dông bão trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với các đối tác để mị dân và để che đậy yếu kém trong khắc phục nguyên nhân này.