Phục vụ nhu cầu tín ngưỡng toàn vùng
“Từ tháng 9.2016, Thủ tướng Chính phủ và 3 Phó Thủ tướng cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan đã mời đại diện lãnh đạo TP.Cần Thơ ra làm việc và thống nhất cho phép xây dựng Đền Hùng tại TP.Cần Thơ” – ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết.
Cũng theo ông Tâm, Đền Hùng được xây dựng ở trung tâm của vùng ĐBSCL nhằm phục vụ việc dâng hương, tưởng niệm của người dân cả vùng. Còn ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy thì thông tin, người dân cũng đã được thông tin về kế hoạch xây dựng Đền Hùng và đều đồng tình ủng hộ.
Trong năm 2017 này, đất Tây Đô sẽ có đền thờ Vua Hùng (ảnh minh họa: Một góc TP.Cần Thơ). Ảnh: T.L
“Đó là dự án hết sức cần thiết, chúng tôi hy vọng nó sớm hoàn thành và được vào thắp hương tưởng niệm” – ông Trần Văn Ba, người dân ngụ ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy chia sẻ. Cũng như ông Ba, ông Nguyễn Văn Bé Tư, ngụ cùng phường Bình Thủy nói: “Dự án không cần to lớn, chỉ cần có là được để dân chúng tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước”.
Về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Đền Hùng, ông Trần Việt Phường - Giám đốc Sở VHTTDL TP.Cần Thơ cho biết: “Việc đầu tư trên nhằm giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đây là tâm nguyện của đông đảo nhân dân TP.Cần Thơ nói riêng, nhân dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung”.
Theo tinh thần công văn của Văn phòng Chính phủ gửi đến UBND TP.Cần Thơ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chủ trương xây dựng đền thờ các vua Hùng, ngành chức năng TP.Cần Thơ đã lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các nhà khoa học nhiều vấn đề liên quan đến dự án trước khi triển khai xây dựng.
Tái hiện phần hồn của Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ
Được biết, diện tích xây dựng dự án là 3,63ha. Về nguồn vốn thực hiện, nguồn bồi thường hỗ trợ tái định cư từ ngân sách, còn phần xây dựng cơ bản thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Thời gian xây dựng dự kiến trong 3 năm (từ năm 2017 đến năm 2020).Tổng kinh phí bồi thường tạm tính là 50 tỷ đồng. Trong năm 2017, thành phố sẽ chi vốn cho quận Bình Thủy 36 tỷ đồng để triển khai giải phóng mặt bằng. |
Theo UBND TP.Cần Thơ, tháng 11.2015, lãnh đạo thành phố đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Đền Hùng. Sau thời gian dài mong đợi, cuối cùng dự án xây dựng Đền Hùng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP.Cần Thơ triển khai xây dựng.
Ông Phường cho biết, sau khi có ý kiến của Chính phủ, UBND TP.Cần Thơ đã giao Sở VHTTDL làm chủ đầu tư dự án. Địa điểm xây dựng Đền Hùng được chọn là khuôn viên quy hoạch khu hành chính quận Bình Thủy (khu vực 7, phường Bình Thủy).
Theo phóng viên tìm hiểu, Đền Hùng sẽ được xây dựng theo kiến trúc 3 gian, tái hiện phần hồn của Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Theo Sở VHTTDL TP.Cần Thơ, hạng mục lớn được ưu tiên xây dựng là Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và Quốc tổ Lạc Long Quân bởi nó mang ý nghĩa thiêng liêng, là nơi thờ Tổ Mẫu của đất nước và là sự quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh, thể hiện tâm thức và đạo hiếu của con dân Việt.
Các hạng mục khác công trong dự án gồm có: Phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu về vua Hùng phục vụ khách tham quan, quảng trường, đường trục hành lễ, nhà bia, hồ sinh thái…Toàn bộ dự án được xây dựng bằng vật liệu bền vững và được thiết kế theo tiêu chí không phá vỡ địa hình, cảnh quan thiên nhiên xung quanh khu vực.
“Hiện Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, lập dự toán công trình và mời gọi đầu tư xây dựng bằng hình thức xã hội hoá” - ông Phường cho hay.