Dân Việt

Giỗ Tổ Hùng Vương: Chuyện xây dựng nông thôn mới ở vùng đất Tổ

Việt Tùng 06/04/2017 20:58 GMT+7
Là tỉnh trung du, địa hình chủ yếu là đồi núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, song sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) Phú Thọ đã có 1 huyện về đích (huyện Lâm Thao là huyện đầu tiên khu vực trung du miền núi phía Bắc về đích). Tỉnh phấn đấu đưa 1 huyện nữa về đích vào năm 2020 là huyện Thanh Thủy.

Nguồn lực nào, cách làm nào giúp Phú Thọ có được những kết quả như vậy? Phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hải  (ảnh) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Thay đổi nhận thức của đa số người dân

img

Huyện Lâm Thao đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, phấn đấu giá trị sản phẩm bình quân đến năm 2020 đạt trên 130 triệu đồng/ha canh tác.  Ảnh: B.P.T

Xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản 
Theo ông Hải, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Cụ thể, tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác dồn đổi ruộng đất có trọng tâm, trọng điểm, tích tụ và tập trung đất đai gắn với thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, quảng bá nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh như: Bưởi Đoan Hùng, gà 9 cựa, các sản phẩm chè, các sản phẩm chăn nuôi...; bảo vệ và phát triển các thương hiệu nông sản đặc sản của tỉnh.

Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình xây dựng NTM hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và những kết quả đã đạt được?

- Phú Thọ có 1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện; có 277 xã, phường, thị trấn trong đó có 247 xã triển khai thực hiện  xây dựng NTM. Đến nay, tỉnh đã có 40 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 16,2%). Năm 2015, huyện Lâm Thao được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, đây là huyện đầu tiên của khu vực trung du miền núi phía Bắc đạt chuẩn NTM.

 Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của đa số người dân - chủ thể của xây dựng NTM, lôi cuốn được họ từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã từng bước chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực thực hiện các nội dung chương trình và trở thành phong trào sôi nổi rộng khắp toàn tỉnh.

Hệ thống hạ tầng nông thôn từ điện, đường, trường, trạm đến nhà văn hóa, khu thể thao... đều được đầu tư xây dựng khang trang, làm thay đổi bộ mặt tại nhiều địa phương. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất được chú trọng góp phần nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt.

Việc có huyện về đích NTM đã tác động như thế nào đến phong trào xây dựng NTM của tỉnh?

- Phú Thọ đã có huyện Lâm Thao về đích NTM là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Lâm Thao nói riêng.

Từ những kết quả đạt được của huyện Lâm Thao, các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã tích cực trao đổi, học tập để rút ra những kinh nghiệm quý báu, những bài học hay vận dụng vào thực tiễn của địa phương mình, đồng thời tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các nội dung của chương trình để đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Phú Thọ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Phấn đấu hết năm 2020 tỉnh Phú Thọ có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM nữa (hiện huyện Thanh Thủy đã có 7/14 xã đạt chuẩn NTM).

Là tỉnh trung du miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, việc xây dựng NTM nói chung và việc đưa các huyện về đích NTM nói riêng gặp trở ngại gì, thưa ông?

- Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, do đó nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM chưa cao. Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn lực tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân chính là mục tiêu lâu dài của chương trình. Tuy nhiên, Phú Thọ có địa hình đồi núi phức tạp, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo hướng nhỏ lẻ, đất đai manh mún; năng suất, chất lượng sản phẩm không cao; chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất có giá trị kinh tế cao; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo mục tiêu của chương trình còn nhiều khó khăn.

Gắn với bảo tồn,  phát huy giá trị văn hóa

Tỉnh đã triển khai những biển pháp gì để vượt qua những khó khăn trên, từng bước đưa các xã, huyện về đích NTM?

- Chúng tôi tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM tại các địa phương; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn; chỉ đạo các huyện, thành, thị chủ động trí nguồn kinh phí phù hợp để đầu tư xây dựng NTM. Ngoài ra, tỉnh tích cực huy động nguồn lực nội tại để đầu tư thực hiện chương trình (nguồn đấu giá đất; vượt thu; đóng góp người dân; ủng hộ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trên địa bàn...).

Trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện chương trình hàng năm, chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp theo hướng lựa chọn các xã gần đạt, cần ít nguồn lực để tập trung chỉ đạo, phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch. Với các xã còn lại, chỉ đạo các địa phương rà soát thực trạng NTM, qua đó xác định lộ trình từng bước đầu tư thực hiện hoàn thành từng tiêu chí.

Riêng đối với xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ cho huyện, đồng thời luôn sát sao, kịp thời trong chỉ đạo nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch đã đề ra.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, có liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Từ đó, chỉ đạo nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên cơ sở định hướng quy mô phát triển thị trường của các đơn vị chuyên môn; chủ động, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn nhằm xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần giải việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Xây dựng NTM gắn liền với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Vấn đề này được Phú Thọ triển khai như thế nào?

- Với Phú Thọ, việc triển khai xây dựng NTM luôn gắn liền với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, phát triển du lịch dịch vụ; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương IX về văn hóa, xây dựng nền văn hóa và con người đất Tổ phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ; sống nhân văn, thân thiện, nghĩa tình, mang đậm nét đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc, vùng đất Tổ.

Tỉnh thường xuyên chỉ đạo xây dựng củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Hết năm 2016 toàn tỉnh có 142 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa - chiếm 57,5%; có 222 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa - chiếm 89,9%.

Xin cảm ơn ông!