Dân Việt

"Đồ thuốc độc" nơi đại ngàn âm u và những uy lực rợn người

22/11/2010 13:02 GMT+7
(Dân Việt) - Tuy chỉ là "truyền miệng", nhưng "đồ thuốc độc" đã trở thành thứ "thống lĩnh" vô hình đầy uy lực. Người có "đồ thuốc độc" thường có uy quyền, nên dân trong làng phải nghe theo, nếu trái lời sẽ chết.

Đại ngàn âm u, huyền bí thế cũng không đáng sợ bằng vấn nạn nghi ngờ có "đồ thuốc độc" hiện hữu bao đời nay ở các buôn làng miền núi Quảng Ngãi. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, oan nghiệt đang dần được xóa bỏ.

Sự mơ hồ đáng sợ

img
Nạn "đồ thuốc độc" đè nặng trong tâm trí người dân các buôn làng ở Quảng Ngãi.

Theo quan niệm và lý giải của một số già làng và đồng bào thiểu số thì "đồ độc" là một loại bùa chú dùng để hại người và có thể "điều chế" bằng nhiều cách khác nhau.

"Đồ" có thể được lấy lông mép của con cọp, rồi cắm vào măng tre và để lâu ngày trở thành sâu. Sau đó con sâu được nuôi dưỡng bằng rau tăm. Khi sâu lớn thải ra phân và phân chính là "đồ".

Ngoài ra, "đồ" còn được làm bằng cách lấy lúa mới trộn với lúa cũ, muối mới trộn với muối cũ, rồi dùng rễ cây đa, nước mã tiền, đọt cây đại tướng quân... trộn với nhau. Sau đó cho vào hũ, rồi cắt tiết gà trống trắng đổ vào sẽ thành..."đồ".

"Đồ" còn được chia thành 2 loại, gồm: "Đồ khô" là của những người giàu có; "đồ ướt" là của người nghèo. Còn "độc" thì được điều chế từ các loại lá, rễ, nhựa cây độc, như: Lá ngón; mủ của con cóc...

Khi "độc" được "pha" vào bùa chú cũng sẽ trở thành "đồ". Người có "đồ" phải cúng thần linh bằng huyết gà trống trắng thì mới phát huy linh nghiệm. Muốn hại người khác thì người có "đồ" chỉ cần vỗ vai, xoa đầu, nguyền rủa, cho ăn, uống...

Gắn bó gần trọn cuộc đời với những ngọn núi, cánh rừng; cái chân đã đi đến hầu hết các buôn, làng trong huyện và vùng lân cận, thế nhưng khi nghe hỏi đã thấy cụ thể về hình dáng của "đồ thuốc độc" và nó ra đời từ bao giờ, già Phạm Văn Lân (82 tuổi), ở thôn Nước Lang, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, lắc đầu:

"Không biết, chỉ nhớ là khi tao mới cao bằng cái rựa thì đã nghe cha mẹ kể lại. Và cho đến giờ cũng chưa một lần nhìn thấy, mà chỉ nghe người dân trong làng rỉ tai, kể cho nhau về nó thôi".

Tuy chỉ là "truyền miệng", thế nhưng "đồ thuốc độc" đã trở thành thứ "thống lĩnh" vô hình đầy uy lực tồn tại suốt hàng trăm năm qua trong tâm trí của đồng bào thiểu số. Theo đó, người có "đồ thuốc độc" thường có uy quyền, nên dân trong làng phải nghe theo những điều người có "đồ độc" nói, nếu trái lời sẽ bị hại chết.

Những người có "đồ thuốc độc", họ là ai?

Là người trực tiếp tham gia giải quyết hàng chục vụ nghi ngờ "cầm đồ độc", Thiếu tá Phạm Văn Ghin, Công an huyện Ba Tơ, lắc đầu:

"Không như nhiều người tưởng, đại đa số người bị dân làng nghi ngờ có "đồ thuốc độc" là những đối tượng lười lao động, rượu chè bê tha, ít hòa đồng và hay gây mâu thuẫn với mọi người. Đặc biệt, khi rượu vào thì ba hoa khoác lác là "không sợ ai"; hoặc "úp mở" rằng mình có "đồ thuốc độc".

Thiếu tá Ghin kể: Là người hay rượu chè và mỗi khi có hơi men thì ông Phạm Văn Nhúi, ở thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ thường khoe là có "đồ thuốc độc" để doạ dân làng. Vì thế mà không chỉ bản thân ông Nhúi mà cả vợ là bà Phạm Thị Tỏ, cũng bị lọt vào "tầm ngắm" của dân làng.

Vào giữa tháng 7-2009, khi con gái là Phạm Thị Nư đau chết, ông Phạm Văn Nhớ chợt nhớ lại, năm 2007, có lần ông chặt cây vú sữa ở vườn nhà thằng Nhúi, có thể vì thế mà nó ghét, nó bỏ “đồ thuốc độc” cho con mình chết.

Và cũng vào thời điểm đó Phạm Thị Hay, Phạm Văn Ép, ở cùng thôn bị đau đi bệnh viện huyện, thế nhưng khi đang điều trị bỏ trốn về nên bệnh không giảm... cũng nhớ lại đã từng cãi vã, xích mích với ông Nhúi nên cũng nghi là do ông Nhúi bỏ "đồ thuốc độc" mới đau.

Vậy là một số người dân trong làng âm thầm chuẩn bị hung khí để xử ông Nhúi. Nắm được thông tin, công an huyện phối hợp với UBND xã Ba Khâm, khẩn trương thành lập đoàn công tác để giải quyết vụ việc. Thế nhưng khi đoàn đang làm việc ở nhà ông Nhúi thì một nhóm thanh niên khoảng 20 người, tay cầm gậy gộc kéo đến.

Dù đoàn cán bộ giải thích, nhưng nhóm thanh niên này bỏ ngoài tai, cúp cầu dao điện, xông vào đánh bị thương bà Phạm Thị Tỏ và con gái là Phạm Thị Yên, cùng một số cán bộ xã. Sau khi được mời lên, ông Nhúi mới thú nhận rằng mình chỉ nói đùa để doạ, không ngờ sự việc xảy ra như vậy.

Dù đã tồn tại từ hàng trăm năm qua, là nguyên do dẫn đến hàng loạt cái chết oan uổng và thương tâm, thế nhưng không một ai ở các buôn làng tận mắt nhìn thấy thứ gọi là "đồ thuốc độc" đó hình dáng cụ thể thế nào…

Bài 2: Những bản án không cần xét xử