Tràn lan khai thác khoáng sản
Núi Hồng có chiều dài hơn 30 km nhấp nhô, điệp trùng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam chạy dài qua 3 huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc. Tương truyền, núi Hồng có 99 ngọn. Tên các ngọn núi được đặt theo dáng hình Ngũ Mã (hình 5 con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng. Theo truyền thuyết, thời vua An Dương Vương mở nước đã từng đặt chân đến nơi này. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, núi Hồng-sông Lam đã tích tụ, lắng đọng nên khí chất lẫm liệt của những người con xứ Nghệ, trở thành biểu tượng của một vùng văn hóa đặc trưng.
Khai thác đá ăn sâu vào dãy núi Hồng thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: H.A
Ông Võ Hồng Hải-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã nhiều lần thốt lên: “Việc khai thác khoáng sản trên dãy núi Hồng khiến những người làm văn hóa, bảo tồn di tích thắng cảnh hết sức xót xa”. |
Trong nhiều cuốn dư địa chí đều viết dãy núi Hồng nổi lên giữa đồng bằng ven biển đây là nguồn sinh thủy cung cấp nước cho sản xuất, đời sống của các khu dân cư và đô thị trên địa bàn. Dọc theo dãy núi Hồng có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: Chùa Chân Tiên, chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng, đền Bùi Cẩm Hổ... đã được nhà nước xếp hạng ở cấp quốc gia.
Mặc dù danh lam thắng cảnh núi Hồng với nhiều di tích lịch sử có giá trị là vậy, song nhiều năm qua, trên dãy núi này việc cấp phép khai thác khoáng sản diễn ra ồ ạt không chỉ dãy núi Hồng có nguy cơ bị mất mà còn gây hệ lụy xấu về ô nhiễm môi trường. Khoảng 7 năm gần đây, việc khai thác đá trên dãy núi Hồng như đại công trường. Dọc Quốc lộ 1A, phía đông của dãy núi Hồng qua địa phận thị xã Hồng Lĩnh, có hàng chục mỏ đá đang khai thác gầm rú âm thanh chát chúa từ máy khoan đá, nổ mìn và máy nghiền đá kèm theo với đó khói bùi mù mịt tại các công trường khai thác đá khiến người dân ở thị xã Hồng Lĩnh không khỏi bức xúc. Ông Lê Xuân Hồng ở thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Núi Hồng Lĩnh được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh và là nơi có nhiều di tích đền chùa. Tuy nhiên, khoảng gần chục năm gần đây, trên dãy núi này, hàng loạt công ty chế biến đá vào khai thác khiến dãy núi bị nham nhở. Chưa hết, nhiều mỏ đất cũng bị tư nhân vào khai thác gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mùa mưa là bùn đất từ dãy núi Hồng trôi xuống làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đi lại của người dân địa phương”.
Khai thác tài nguyên, khoáng sản từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối ở đây. Theo báo cáo của Sở NTMT Hà Tĩnh trên dãy núi Hồng đoạn qua địa phận thị xã Hồng Lĩnh và Nghi Xuân có 29 mỏ đá và vật liệu xây dựng. Hiện nay có nhiều mỏ hết hạn khai thác và không cấp phép nữa.
Tuy nhiên, trên dãy núi Hồng qua xóm Hồng Lĩnh và Làng mới của xã Vượng Lộc huyện Can Lộc (gần khu di tích lịch sử văn hóa chùa Hương Tích), có nhiều mỏ đá đang “cày” hết công suất khai thác, bụi bay mù mịt. Trao đổi với PV NTNN ông Nguyễn Văn Quế- Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: “Dãy núi Hồng qua địa bàn xã hiện nay có 4 mỏ đá được cấp phép khai thác gồm công ty Huy Hoàng, Ngọc Hải, Hồng Vượng và Trường Kỳ. Mỏ nhỏ nhất cũng trên 2,5ha và mỏ quy mô lớn trên 4ha”.
Ông Quế thừa nhận: “Việc khai thác đá sẽ không tránh khỏi ô nhiễm môi trường và đặc biệt là dãy núi Hồng danh lam thắng cảnh bị loang lổ vì lấy đá thì rừng núi bị đào khoét. Tuy nhiên, vì kinh tế thì phải đánh đổi thôi”.
Núi Hồng chờ giải cứu
Xe chuyên dụng của doanh nghiệp múc đất núi Hồng Lĩnh bán. Ảnh: H.D
Làm việc với PV, Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc-Nguyễn Văn Quế cho biết thêm: “Dãy núi Hồng thuộc địa phận xã Vượng Lộc có hơn 120ha phía trên là đất rừng phòng hộ còn khu vực dưới chân núi đã chuyển đổi cấp phép cho các mỏ đá này khai thác trong thời gian dài. Do đó, để bảo vệ danh lam thắng cảnh núi Hồng, tỉnh phải sớm dừng cấp phép khai thác đá còn xã không có quyền”.
Cũng theo ông Quế: “Khoảng 3 năm trước đây không có cuộc tiếp xúc cử tri hay hội họp nào là người dân 2 thôn Hồng Lĩnh và Làng Mới không kêu ca về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc nổ mìn khai thác đá ảnh hưởng đến nhà dân, xã cũng đau đầu lắm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, xã cho làm 2 cổng barie trên trục đường chính vào các mỏ đá này nếu các mỏ đá không phun tưới đường, khai thác ẩu gây ô nhiễm môi trường thì giao cho thôn ra đóng cổng lại không cho vận chuyển đá ra ngoài nên các chủ mỏ cũng không làm liều nữa”.
“Tuy nhiên, nói việc khai thác đá không có bụi, không có tiếng ồn từ máy nghiền, từ nổ mìn thì không phải. Mới đây, đoàn thanh tra của tỉnh của bộ về kiểm tra tôi vẫn nói thẳng ô nhiễm từ các mỏ đá là không tránh khỏi” - ông Quế nói.
Còn ông Trần Xuân Đức-Trưởng phòng TNMT thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Trên núi Hồng thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh quản lý có 10 mỏ đá đến thời điểm này có 9 mỏ đang làm thủ tục để đóng cửa mỏ chấm dứt khai thác, còn lại một mỏ của Công ty VN1 đang khai thác”.
Nói về nạn khai thác khoáng sản trên dãy núi Hồng, cố nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh đã từng nhiều lần lên tiếng: “Núi Hồng là một quần thể di tích quan trọng của cả nước chứ không riêng gì Hà Tĩnh. Đành rằng việc khai thác tài nguyên nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, song nếu khai thác một cách vô tội vạ sẽ gây ra những tác động tiêu cực rất lớn, phá vỡ cảnh quan vốn có của nó. Mai sau nếu có tiền cũng không bao giờ khôi phục lại được”.