Quyết tâm về đích năm 2017
Ông Lê Anh Quân – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo huyện Gia Lâm đã có nhiều đổi thay tích cực. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất các ngành luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng quý I năm 2017, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 1,1%”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm quan mô hình sản xuất, chăn nuôi tại xã Lệ Chị, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vào ngày 23.3. Ảnh: Anh Tuấn
Ông Quân cho biết thêm, trong xây dựng NTM, Gia Lâm luôn chú trọng và coi tiêu chí thu nhập của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi thế trong những năm qua huyện đã tập trung triển khai đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng chuyên canh giai đoạn 2016-2020 đến toàn bộ các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, thị trấn. Tổng diện tích chuyển đổi là 579,35ha với mức thu nhập trung bình từ 100 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Cụ thể, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả khoảng 193ha tập trung tại một số xã: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, dương Quang, Trâu Quỳ, Đặng Xá, Cổ Bi; diện tích sản xuất rau an toàn ổn định tại các vùng chuyên canh rau, riêng xã Văn Đức giảm 32,6ha chuyển sang trồng cây ăn quả…
“Bên cạnh đó, phát huy lợi thế trên địa bàn có các viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật rất thuận lợi để thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình thử nghiệm cho bà con nông dân để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Gia Lâm đang tiến tới hình thành theo hướng mỗi làng, mỗi xã sẽ gắn với thương hiệu của một sản phẩm nông sản điển hình như rau an toàn Văn Đức, Đặng Xá; chuối tiêu hồng Cổ Bi…” – ông Quân chia sẻ.
Là một hộ trồng nhiều chuối tiêu hồng ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, trung bình mỗi năm gia đình ông Phạm Văn Tuấn có thu nhập lên đến trên 100 triệu đồng. “Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa phương đã và đang giúp nông dân chúng tôi có đầu ra và thu nhập ổn định” – ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Quân, về kết quả thực hiện các tiêu chí NTM, đến hết năm 2016, toàn huyện có 17/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại là Ninh Hiệp, Trung Mầu, Lệ Chi đạt và cơ bản đạt từ 16 tiêu chí trở lên, phấn đấu về đích trong năm 2017. “Đối với tiêu chí huyện NTM, đến hết quý I.2017, huyện Gia Lâm đã có 7/9 tiêu chí đạt gồm: Quy hoạch, giao thông, điện, y tế - văn hóa – giáo dục, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM, còn lại 2 tiêu chí cơ bản đạt gồm thủy lợi và môi trường. Điều đáng tự hào nhất là trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản” – ông Quân khẳng định.
Phấn đấu 3 xã để huyện đạt chuẩn
Cũng theo ông Quân, về việc triển khai kế hoạch công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, đến nay, toàn huyện đã thực hiện cấp đổi cho 6.584/6.924 trường hợp, (đạt 95% kế hoạch) giúp nông dân có cơ hội áp dụng cơ giới hóa, máy móc công nghệ cao vào sản xuất.
Đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện Gia Lâm đạt 35 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn dưới 1,4%. |
Phát biểu trong tại buổi làm việc với huyện Gia Lâm vừa qua, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Đối với 17 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện Gia Lâm cần tập trung rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đối với 3 xã phấn đấu về đích trong năm 2017 gồm Ninh Hiệp, Trung Mầu, Lệ Chi, huyện cần tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn thành, quyết tâm đưa huyện Gia Lâm đạt chuẩn NTM đúng kế hoạch”.
Bà Hằng cho biết thêm, trong những năm qua Gia Lâm đã xây dựng được các mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, có nhiều loại cây trồng vật nuôi theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Đặc biệt huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh, đặt ra mục tiêu 5 năm, 10 năm tăng thêm số diện tích chuyển đổi tương ứng.
“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện cần tập trung hoàn thành sớm tiêu chí về môi trường, hệ thống thuỷ lợi, đặc biệt là huyện cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng các vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao và liên kết 4 nhà nhằm nâng cao tiêu chí về thu nhập cho người dân tăng từ 35 lên 40 triệu đồng/người/năm” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.