Ông Hàn Đức Long rất mong sớm được xin lỗi công khai.
Chiều 4.4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, vấn đề tổ chức xin lỗi và cải chính công khai cho người bị oan vẫn được đặt trên nền của luật hiện hành. Nghĩa là dự luật vẫn quy định việc tổ chức xin lỗi công khai phải là người bị oan có yêu cầu cơ quan Nhà nước xin lỗi thì Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai, còn người bị oan không có yêu cầu thì Nhà nước không tổ chức xin lỗi công khai. Theo đại biểu Thủy, quy định như vậy là rất có vấn đề và không phù hợp.
Giải trình về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Với tính chất của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị thiệt hại. Việc xin lỗi và cải chính công khai quy định trong luật này là hệ quả của quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Trong quá trình giải quyết, căn cứ vào yêu cầu của người bị oan mà cơ quan nhà nước tiến hành xin lỗi, cải chính công khai. Hơn nữa, trong trường hợp đã xác định người bị oan nhưng người đó không có yêu cầu thì cơ quan nhà nước cũng không thể chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai, bởi vì việc xin lỗi, cải chính công khai ảnh hưởng trực tiếp đến quyền nhân thân của người bị oan.
Không đồng tình với giải trình này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói: "Tôi thực sự không hiểu tại sao Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai cho người bị oan lại có thể ảnh hưởng đến quyền nhân thân của họ".
Đại biểu Thủy lấy ví dụ vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), người từng bị kết án về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Ông Hàn Đức Long đã thụ án được hơn 11 năm, đến thời điểm cuối năm 2016 đã xác định ông Long bị oan. "Nếu như bây giờ ông Hàn Đức Long chưa yêu cầu Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai mà Nhà nước chủ động xin lỗi công khai thì ảnh hưởng gì đến nhân thân của ông Hàn Đức Long. Hai là với tội danh bị kết án oan như ông Long, nhu cầu mong muốn chính đáng là được Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai kịp thời để phục hồi danh dự" - đại biểu Thủy nói. Liên quan đến vụ ông Hàn Đức Long, vào ngày 22.3, vợ chồng ông Long đã từ Bắc Giang đến trụ sở TAND Cấp cao tại Hà Nội để nộp đơn yêu cầu cơ quan chức năng xin lỗi công khai.
Trao đổi với Dân Việt, ông Long cho biết, trong suốt thời gian bị bắt giam để điều tra, truy tố, xét xử..., mọi danh dự, nhân phẩm của ông bị mất hết, hàng xóm ghẻ lạnh, coi khinh. Nay ông muốn được minh oan, xin lỗi công khai, sau đó ông sẽ tiến hành yêu cầu bồi thường để sớm ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Long) cho biết, do chưa được công khai xin lỗi, nên gia đình bà vẫn bị nhiều người trong làng xì xào, gièm pha, thậm chí đặt điều xấu.