Chương trình nghệ thuật từ thiện “Đêm mỹ nhân” tổ chức ngày 14.8 tại Quảng Bình đã để lại một “dấu ấn” khó phai về thời trang phản cảm của các nữ nghệ sĩ. Dư luận bất bình với trang phục “hở da lộ thịt” của Minh Hằng và mong chờ cơ quan quản lý văn hóa sẽ có cách xử lý thỏa đáng.
Vậy mà mãi tới sau 1 tháng khi sự việc xảy ra, Sở VHTTDL Quảng Bình mới đưa ra quyết định xử phạt. Nhiều người bình luận quyết định này cũng thuộc diện... phản cảm không kém trang phục của các nữ ca sĩ.
Trang phục phản cảm của ca sĩ Minh Hằng trong “Đêm mỹ nhân”. |
“Bản án” nhẹ hều
Quyết định xử phạt hành chính 29/QĐ-XPHC, dựa trên biên bản vi phạm hành chính đối với bà Bùi Thị Thanh Dung- Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ quảng cáo quốc tế JITA do Sở VHTTDL Quảng Bình nêu rõ: “JITA đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 10 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP “Về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” và điểm c khoản 1 Điều 16 của Nghị định 75/2010/NĐ-CP: “Cấm cho phép người biểu diễn sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong, mỹ tục dân tộc”. Cuối cùng, JITA - đơn vị tổ chức đã bị phạt 3,5 triệu đồng.
Về lý do không xử phạt ca sĩ Minh Hằng, ông Nguyễn Phấn Đấu - Chánh thanh tra Sở VHTTDL giải thích: “Chúng tôi không xử phạt cá nhân ca sĩ Minh Hằng bởi vì không có biên bản lập tại chỗ về “vi phạm trang phục không hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc”. Việc dựng lại chương trình thì quá tốn kém, cũng có thể căn cứ vào ảnh, băng đĩa để xử phạt ca sĩ Minh Hằng nhưng việc này quá rắc rối”.
Ông Đấu cho biết thêm, cơ quan quản lý chỉ gắn trách nhiệm cho đơn vị tổ chức chương trình và hy vọng đây sẽ là sự cảnh cáo và giáo dục chung cho tất cả các đối tượng nghệ sĩ sau này để họ nghiêm túc hơn khi chọn trang phục biểu diễn. Thế nhưng vấn đề là tiền phạt thì “nhẹ hều” và không phạt đích danh cá nhân nghệ sĩ, vậy thì chẳng có lý do gì để trông đợi các ca sĩ sẽ nghiêm túc hơn sau này.
Tự mình trói mình
Ông Phạm Đình Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Việc xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật là trách nhiệm của thanh tra các sở VHTTDL nhưng tôi cũng cảm thấy khó hiểu về quyết định này.
Tôi không hiểu tại sao họ lại cho rằng vì không có biên bản bắt quả tang vi phạm nên không xử phạt ca sĩ Minh Hằng? Chứng cứ chúng ta cần ở đây là gì? Đơn vị tổ chức biểu diễn đã thừa nhận, báo chí đã lên tiếng, hành vi vi phạm có hình ảnh đã rõ ràng, dư luận cả nước lên án sự phản cảm như thế, đó chính là chứng cứ chứ còn gì nữa?”.
NSND Thanh Hoa cũng bày tỏ quan điểm đồng tình: “Tôi nghĩ xử lý một vụ việc gây bức xúc theo cách như vậy sẽ không làm ai phải e ngại khi vi phạm cả. Nếu tôi là chỉ đạo nghệ thuật chương trình ấy, tôi sẽ yêu cầu ca sĩ phải thay trang phục biểu diễn, nếu ca sĩ không đồng ý, tôi sẽ cắt tiết mục, kể cả đã ra sân khấu, tôi cũng sẽ mời vào. Phải làm cho nghệ sĩ cảm thấy xấu hổ thì họ mới chừa ở những lần sau chứ cứ để cho họ thích mặc gì thì mặc như vậy là không ổn”.
Quy chế xử lý các vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã đưa ra bàn thảo rất nhiều kỳ, nhiều cuộc nhưng vẫn chưa xong, trong khi đó, các cơ quan quản lý lại làm việc cứng nhắc và thiếu trách nhiệm như vậy khác nào tiếp tay cho nghệ sĩ tha hồ vi phạm.
Nếu vụ việc nào cũng đòi hỏi phải có biên bản bắt quả tang vi phạm quả là thanh tra văn hóa đã “tự mình trói mình” bởi số lượng thanh tra cả nước quá mỏng, ở các địa phương, lực lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ấy là còn chưa kể, phần lớn các vụ việc vi phạm như thế này khi bị phát giác toàn là công của báo chí chứ không phải là do phát hiện trong quá trình tác nghiệp của các thanh tra văn hóa, vậy thì lấy đâu ra biên bản quả tang để mà xử lý?
Qua việc Sở VHTTDL Quảng Bình “tha bổng” một cách phi lý vi phạm của ca sĩ Minh Hằng thế này mới thấy, “vải thưa” vẫn che được “mắt thánh” như thường. Từ đây, một bộ phận nghệ sĩ sẽ tha hồ mà giở các chiêu trò thời trang quái gở trên sân khấu.
Mai An