Tử thần rình rập
Xã Quảng Ngạn có 5 thôn với hàng trăm hộ dân nằm dọc bờ biển đang đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Tại thôn Tân Mỹ, chỉ trong vòng một năm trở lại đây, biển đã ăn sâu vào đất liền hàng chục mét. Hệ thống rừng dương nằm dọc bờ biển đã bị sóng biển cuốn trôi hầu hết. Hàng loạt tuyến đường bê tông kiên cố đã bị sóng biển phá nát, trơ sỏi đá. Nhiều nhà dân bị trôi vườn, nứt nhà.
Từ khi "chạy biển" về sinh sống ở Khu tái định cư Tân Mỹ, cuộc sống của nhiều hộ dân khốn khổ vì thiếu điện, nước sạch. |
"Những lúc nước biển dâng, sóng đánh vào tận nhà khiến cuộc sống gia đình tui hoàn toàn đảo lộn. Những vết nứt trên tường ngày càng lớn, nhà có thể sập bất cứ lúc nào"- một người dân thôn Tân Mỹ nói.
Cũng như thôn Tân Mỹ, cuộc sống người dân các thôn Đông Hải, Trung Hải, Tây Hải... cũng đang bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở bờ biển. Ông Phan Nam- Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, cho biết, hiện xã mới di dời được 15 hộ dân trong vùng sạt lở, gần 100 hộ đang sống trong vùng nguy hiểm chưa thể di dời do thiếu kinh phí.
Tại xã Quảng Công, sạt lở bờ biển đã khiến hàng loạt nhà dân bị đổ, trôi vườn. Sạt lở diễn ra nghiêm trọng nhất ở các thôn An Lộc, Tân Thành, Hải Thành, Thương Gián, với hơn 280 hộ dân sống bên miệng tử thần. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 58 hộ dân được di dời đến nơi ở mới.
Theo ông Lê Nguyên Sĩ- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, số hộ dân được di dời chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số hộ đang sống trong vùng nguy hiểm. "Tình trạng này khiến không chỉ người dân mà chính quyền xã cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ"- ông Sĩ nói.
Tái định cư nửa vời
Trong khi tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân ở Quảng Ngạn và Quảng Công bị đe dọa bởi sạt lở bờ biển chưa được di dời thì số hộ được di dời lại phải sống trong cảnh khốn khổ do thiếu đủ thứ. Đã 2 năm từ khi về sống ở Khu tái định cư Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn do nơi ở cũ bị sạt lở, gia đình bà Nguyễn Thí (75 tuổi) vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, điện sinh hoạt thì yếu do phải dùng ké nên nhà lúc nào cũng tối om. "Sống ở chỗ cũ thì khổ vì lo sập nhà, lên đây lại khổ vì thiếu điện, nước"- bà Thí than thở.
Ông Nguyễn Đính - Chủ tịch UBND xã Quảng Công
Tại xã Quảng Công, để phục vụ cho việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, hai Khu tái định cư An Lộc- Tân Thành và Hải Thành- Thương Gián đã được quy hoạch nhưng đang dở dang. Hiện tại, hàng chục hộ dân được di dời đến các khu tái định cư này đang phải sống trong cảnh không có điện, nước sạch, đường giao thông, khu vệ sinh.
Một người dân bức xúc: "Người ta dựng trụ điện lâu rồi nhưng chờ mãi không thấy họ kéo dây nên chúng tôi phải sống trong cảnh đèn dầu leo lét. Nước sạch họ cũng nói sẽ đầu tư, nhưng không biết chờ đến bao giờ. Đường thì mới chỉ có trục đường chính thôi, từ đường chính vào nhà dân phải lội qua động cát".
An Sơn