1. Dạy con cách kiểm soát cảm xúc
Tức giận, buồn bã, thất vọng đều là những cung bậc cảm xúc có thể ảnh hưởng tới mỗi đứa trẻ, giống như đối với người trưởng thành. Bởi vậy, cha mẹ cần dạy cho con cách kiểm soát và ứng phó với những cảm xúc tiêu cực đó để không mất quá nhiều thời gian và tâm trí vào chúng.
Khi con đang bình tĩnh, hãy dậy chúng bí quyết: hít sâu bằng mũi, sau đó thở ra bằng miệng, và đếm chậm từ 1 đến 5. Từ đó, mỗi lần con có những cảm xúc tiêu cực, hãy nhắc lại và cùng trẻ thực hiện 3 bước này.
2. Nói chuyện với con về việc chịu trách nhiệm cho hành động của mình
Cha mẹ chính là hình mẫu để con học tập. Bởi vậy, chẳng có gì là quá sớm khi bạn dạy con những bài học về đạo đức, thói quen giúp đỡ người khác và cách chăm sóc, quan tâm mọi người xung quanh.
Hãy giải thích và luôn nhắc nhở con trẻ về việc chịu trách nhiệm cho hành động của mình có ý nghĩa như thế nào. Và quan trọng nhất, các bậc phụ huynh đừng quên hành xử đúng như những gì mình nói và khuyến khích trẻ làm những điều tốt đẹp.
3. Dạy con lòng nhân ái và sẵn sàng giúp người khác
Một đứa trẻ nên được dạy từ nhỏ phải biết quan tâm, chăm sóc không chỉ người thân, bạn bè mà cả những người xa lạ cần giúp đỡ. Hãy đưa ra ví dụ cho trẻ tưởng tượng mình là một học sinh mới đến, gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn sẽ như thế nào.
Không chỉ vậy, cha mẹ cũng nên chia sẻ những bài học lớn hơn cho trẻ: Con có thể làm gì cho những bạn nhỏ không có gì để ăn? Những người vô gia cư? Cha mẹ có thể làm nhiều điều để giúp trẻ phát triển ý thức trách nhiệm xã hội.
4. Bày tỏ lòng biết ơn
Phụ huynh cần dạy trẻ rằng, thể hiện lòng biết ơn là điều tốt đẹp, nên làm thường xuyên thay vì xấu hổ và nhút nhát, ngại thể hiện tình cảm. Hãy bắt đàu từ những điều nhỏ nhặt và bình dị như ôm từ đằng sau và cảm ơn vì món ngon bà nấu.
Luôn nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác là một bài học quan trọng, trẻ cần được học từ sớm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người không ngại thể hiện sự biết ơn sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn những người khác.
5. Dạy con những gì làm nên một hành vi tốt và giá trị gia đình
Đa số các bậc cha mẹ đánh giá cao thành tích của trẻ ở trường hoặc trong các môn thể thao. Tại sao chúng ta không có thái độ tương tự với những hành vi đạo đức của trẻ? Điều quan trọng là phải xác định rõ những giá trị của gia đình bạn và chắc chắn rằng con luôn tôn trọng chúng trong cả lời nói và hành động. Trẻ có cư xử lễ phép không? Có giữ lời hứa không? Cách hành xử của con khi buồn và thấy vọng?
6. Dành nhiều thời gian cho con hơn
Đừng chỉ nói chuyện với con khi chúng mắc lỗi hoặc cha mẹ đề ra quy tắc mới. Bạn cần xây dựng mối quan hệ tin tưởng và gần gũi với con như hai người bạn.
Cách kết nối tốt nhất là cha mẹ và con cái cùng nhau trò chuyện, đi du lịch và luôn sẵn sàng thể hiện tình cảm để trẻ biết mình được yêu thương nhiều đến thế nào.
Những đứa trẻ cảm nhận những tình cảm chân thành, được tôn trọng và yêu thương dễ dàng san sẻ tình cảm và giúp đỡ những người xung quanh hơn.