Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, cho biết ông đã từng may mắn nói chuyện với nhiều tỷ phú Forber. Khi trao đổi với họ về kinh doanh, họ bảo vấn đề không phải là ứng dụng CNTT mà là phải số hoá như số hoá kế toán, quản trị kinh doanh cũng phải được số hoá, tất cả lĩnh vực về tài chính tiền tệ đều được đào tạo dưới dạng số hoá.
“Tôi hỏi họ về tiêu chí tuyển dụng nhân sự, họ bảo tiêu chi lựa chọn nhân lực trong tương lai là phải có kỹ năng số hoá, truyền thông, sáng tạo và hợp tác. Bốn thứ tự này đã thay đổi so với trước đây. Trước đây, tiêu chí “truyền thông” đứng đầu bảng thì nay chuyển xuống thứ hai”, ông Nghĩa cho biết.
Theo ông Nghĩa, Việt Nam rất có khả năng làm chuyện này, các trường đại học chuyển từ giảng dạy hiện tại sang số hoá. “Doanh nghiệp cũng vậy, khởi đầu cách mạng công nghiệp 4.0 bằng cách số hoá toàn bộ hội đồng quản trị”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Công nghiệp 4.0 sẽ đẩy tầng lớp trí thức trẻ thất nghiệp?
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng 4.0 tạo ra bước nhảy vọt, đây là cơn bão đã diễn ra và đang diễn ra mạnh mẽ. Nó sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam, nông nghiệp, đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những lợi thế lao động giá rẻ giảm, những người trí thức, bác sĩ, luật sư, kiểm toán hay những người làm trong ngành tài chính…
Ông Doanh dẫn chứng có đến 40% luật sư mới ra tường ở Mỹ thất nghiệp vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra trí thông minh nhân tạo trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến điều luật. Chỉ trong vòng 60 giây, trí thông minh nhân tạo là người máy trả lời tất cả các câu hỏi, còn một luật sự trong vòng một tiếng đồng hồ cũng chưa chắc trả lời xong. Tương tự, có đến 42% sinh viên ngành kinh tế mới ra trường thất nghiệp.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế. Ảnh Việt Tuấn
Hay như tháng 3 vừa qua, một ngân hàng ở Hàn Quốc mở điểm giao dịch không có nhân viên. Trước đó, Bank of America, một ngân hàng của Mỹ cũng đã mở 3 chi nhánh ngân hàng không có nhân viên bằng cách ứng CNTT. Theo đó, tỷ lệ nhân viên giảm đi và khách hàng đi vay với lãi suất giảm hơn 0,5% so với truyền thống.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc công ty May 10, cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam nếu chính phủ, người dân, doanh nghiệp ý thức được, từ đó, trật tự thế giới có thể sẽ đổi lại.
“Đối với riêng ngành dệt may, dự kiến có đến 86% lao động ngành dệt may, gia dày Việt Nam trong tương lai sẽ thất nghiệp. Trong ngành dệt may, chúng tôi sẽ làm gì mà máy móc không làm được. Nếu nhìn thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sợ thì sẽ chết mà đón nhận để tiếp cận, để phát triển”, bà Huyền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được giới kinh tế gạo cội vì họ mới có thể quyết định được có nên thay thế sản phẩm này hay không, chiến lược phát triển của công ty thế nào?
“Hay chỉ có những luật sư gạo cội mới có thể trả lời được câu hỏi có nên tiếp tục tranh chấp hay nên hoà giải? Hay như máy móc chỉ có thể làm ra những chiếc áo giản đơn như áo sơ mi, đồ lót… nhưng những chiếc áo cần kỹ xảo hơn như thêu thùa, hoạ tiết thì vẫn phải là con người, máy móc không làm được. Điều đó có nghĩa, công nghiệp 4.0 vẫn có chỗ đứng cho con người”, ông Doanh khẳng định.
Việt Nam nên đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0
Với những phân tích trên, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến từng gia đình ở Việt Nam và Việt Nam cần phải làm gì trước cơn bão này? Theo ông Trương Gia Bình, đích đến của công nghiệp 4.0 khoảng 15 năm nữa và tương lai sẽ có một số quốc gia trở thành cường quốc trên thế giới nhờ vào công nghệ.
“Bởi vậy Việt Nam cần sớm có sách lược để ứng xử như một dân tốc trước thách thức đang đến, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, tạo ra một nguồn lực số, dân tốc lập trình, một hạ tầng hiện đại sẵn sàng đón làn sóng công nghiệp 4.0”, ông Bình khuyến nghị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho rằng, cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh Việt Tuấn
"Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này. Ba cuộc cách mạng trước chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu. Trong khi các nước phát triển thì bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi nên có dám bỏ nó đi không, chắc chắn rất khó. Mình chưa có cái trước mình làm ngay cái mới thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, ông nói.
Ông Hùng cho rằng nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. “Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh. Vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”.