Dân Việt

Tư vấn tuyển sinh 2017: 5 ngành học không khó đỗ, dễ xin việc

Tùng Anh (t/h) 11/04/2017 06:38 GMT+7
Không phổ biến, nhưng 5 nhóm ngành: Cơ khí , điện tử - điện công nghiệp, Công nghệ thực phẩm, ngành Hóa chất – công nghệ sinh học và nông – lâm – ngư đang có nhu cầu nhân lực rất lớn, khả năng xin việc sau khi ra trường cao và mức lương tương đối ổn định.

Cơ khí – chế tạo máy: Triển vọng trong tương lai

Theo các chuyên gia giáo dục, đây là là nhóm ngành “hot” đang ngày càng thiếu nhân lực khi đất nước hội nhập và phát triển. Hiện nguồn cung nhân lực cho các nhóm ngành này mới đáp ứng được từ 50 – 60%.

img

Một buổi học thực hành động cơ ô tô tại Trường CĐ Nghề Việt Đức, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh:L.H.T

Các nhóm ngành cơ khí bao gồm cơ khí chế tạo máy và cơ khí chính xác. Người được đào tạo chuyên ngành chế tạo máy ra trường có thể làm ở các vị trí như thiết kế các sản phẩm, dụng cụ, lắp đặt và gia công cơ khí. Chuyên ngành cơ khí chính xác sản xuất các dụng cụ quang, dụng cụ y tế hoặc làm các khuôn mẫu.

Hiện, cả nước có khoảng 33 trường ĐH, CĐ có đào tạo các chuyên ngành này như: ĐH Bách Khoa Hà Nội (khoa Cơ khí chế tạo, Cơ khí động lực, Cơ khí hàng không và Cơ khí tàu thủy). Tương tự tại ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng có các chuyên ngành này.

Ngoài ra, khối trường điểm thấp hơn có: ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp thuộc ĐH Thái Nguyên; ĐH Thủy Lợi và ĐH Xây dựng có ngành cơ khí xây dựng; ĐH Việt Hung; Công nghiệp Việt Trì, ĐH Nông lâm Bắc Giang...

Mức điểm đầu vào các nhóm ngành này chỉ dao động từ 15 – 20 điểm.

Nhóm ngành nông – lâm: Nhu cầu cao – lương ổn định

Trong nhiều mùa tuyển sinh, ngành nông – lâm – ngư luôn là “top” ngành bị thí sinh… ghẻ lạnh. Nhưng sự thực, đây là nhóm ngành có rất nhiều cơ hội việc làm  với mức lương ổn định và phát triển trong tương lai. 

Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông – lâm – ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

img

Kỹ sư ngành nông nghiệp có mức lương tương đối ổn định (Ảnh minh họa: IT)

Ông Nguyễn Quốc Cường – Phó ban đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Tâm lý phụ huynh và thí sinh vẫn cho rằng học các ngành nông, lâm, ngư nghiệp ra trường sẽ phải làm việc trên đồng ruộng, chân lấm tay bùn vất vả. Nhưng thực chất không phải như vậy. Sinh viên ra trường không phải làm các công việc ở ngoài đồng lúa hay trên rừng mà chỉ làm các công việc nghiên cứu, chế tạo”.

Có rất nhiều chuyên ngành khác nhau như: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú ý, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,…  

Điểm trúng tuyển nhóm ngành nông – lâm – ngư cũng không cao, chỉ dao động ở mức điểm sàn của Bộ GD ĐT đến 17, 18 điểm.

Các trường đào tạo khối ngành này đứng đầu là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Thái Nguyên, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nha Trang, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ….

Công nghệ thực phẩm: Mới – cần thiết

Công nghệ thực phẩm là ngành chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…

img

Ngành công nghệ thực phẩm có xu hướng phát triển trong  tương lai (Ảnh minh họa: IT)

Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này. Trong xu hướng xã hội đang rất cần nguồn thực phẩm an toàn phục vụ đời sống thì ngành công nghệ thực phẩm sẽ ngày càng được ưa chuộng.

Sau khi tốt nghiệp ngành sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (chế biến thịt, sữa, cá, cà phê, chè, đồ hộp...), các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực thực phẩm, làm cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng,…

Các trường có đào tạo ngành này như: Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Học viên Nông nghiệp Việt Nam…

 Nhóm ngành Hóa chất - công nghệ sinh học

Theo dự báo nhu cầu nhân lực nhóm ngành này tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2015 – 2010, mỗi năm thị trường sẽ cần thêm 10.800 nhân lực qua đào tạo. Sinh viên học chuyên ngành này ra trường có thể làm ở các lĩnh vực như: Sản xuất sản phẩm vô cơ, hữu cơ như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm; lĩnh vực vật liệu, luyện kim, công nghệ thực phẩm, ngành công nghiệp lên men, xử lý chất thải, sản xuất công nghệ năng lượng, năng lượng hạt nhân...

Điểm trung bình đầu vào các ngành này ở các trường từ 18 - 22 điểm. Các trường có đào tạo ngành Hóa chất - công nghệ sinh học như: ĐH Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, ĐH Đông Đô, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên...

img

Sinh viên ngành Kỹ thuật hóa học - Môi trường (ĐH Lạc Hồng) trong phòng thí nghiệm (ảnh: LH)

Nhóm ngành Điện tử - công nghệ thông tin

Nhóm ngành này tiếp tục được dự báo tiếp tục là nhóm ngành dễ xin việc nhất đến năm 2030. Hiện nay, nhân lực được đào tạo ở ngành này mới chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu thị trường.Học các ngành này có thể làm việc trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, sáng tạo công nghệ điện mới; mạng viễn thông; lĩnh vực định vị dãn đường; điện tử y sinh...

Có rất nhiều trường đào tạo nhóm ngành này, mức điểm đầu vào nhóm ngành điện tử thường từ 15 - 18, còn nhóm ngành công nghệ thông tin thường cao hơn 1 vài điểm.

Một số trường điển hình thí sinh có thể tham khảo gửi hồ sơ xét tuyển nếu yêu thich nhóm ngành này như: ĐH Điện Lực, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Việt Trì, ĐH Hùng Vương Phú Thọ, CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội...