Dân Việt

Cần “bôi” xanh-methylen để đánh dấu methanol

Diệu Linh 10/04/2017 14:43 GMT+7
“Cần phải “bôi” xanh methylen (màu xanh) để đánh dấu methanol là độc hại để người dân biết, đồng thời khiến những kẻ muốn sử dụng methanol để làm giả rượu cũng không thể sử dụng được” – GS Nguyễn Viết Tiến-Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Hội thảo tác hại của việc lạm dụng rượu bia và xử trí ngộ độc rượu có methanol do Bộ Y tế tổ chức ngày 10.4.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát cho biết, theo các báo cáo, hiện cả nước mới cấp giấy phép sản xuất cho khoảng 15% các hộ sản xuất rượu thủ công. Tuy nhiên, cách đây hơn chục ngày, ông Việt đến Ninh Bình – một trong những địa phương đứng đầu cả nước về rượu thủ công, để tìm hiểu về tình hình sản xuất rượu. Lãnh đạo tỉnh này cho biết, cả tỉnh có hơn 2.500 hộ nấu rượu nhưng Sở Công thương mới cấp giấy phép cho… 6 hộ (khoảng 0,4%).

Ông Việt nhận định, điều này cho thấy việc quản lý rượu dân tự nấu đang có vấn đề. Luật của chúng ta khá đầy đủ, quy định cơ sở sản xuất rượu phải được cấp giấy phép, cơ sở bán rượu phải bán rượu có nhãn mác đầy đủ. Tuy nhiên, với hàng trăm nghìn hộ nấu rượu thủ công thì việc cấp phép là rất khó. Không thể có cơ quan nào kiểm soát hết việc một bác nông dân hoặc một bà đồng nát nhưng về nhà lại tự nấu vài lít, vài chục lít rượu… bán chơi, lại sản xuất theo kiểu “nay nấu mai bỏ”.

img

Kiểm tra rượu không rõ nguồn gốc ở Hà Nội

“Giải pháp hiện nay để quản lý rượu không rõ nguồn gốc chính là phải kiểm tra những cơ sở bán rượu, nếu bán rượu không rõ nguồn gốc thì phải dẹp bỏ ngay lập tức. Nếu không được phép bán thì họ cũng sẽ không dám nhập rượu không rõ nguồn gốc” – ông Việt kiến nghị.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2007 -2017, cả nước có 58 vụ ngộ độc lớn khiến 382 người ngộ độc, 98 người tử vong. Chỉ tính riêng năm 2017 đã có 1 vụ ngộ độc lớn là tại Phong Thổ (Lai Châu) vào ngày 13.2,  khiến gần 70 người mắc, 10 người tử vong và chùm rải rác ở Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay khiến 34 người mắc, 9 người tử vong, 1 người mù và nhiều người bị di chứng. Theo đó, ngộ độc rượu trắng là 12 vụ, rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18 vụ và các vụ khác do rượu ngâm các loại củ, rễ cây…

Cho dù đã được tuyên truyền, kiểm tra nhưng việc làm rượu giả, rượu methanol vẫn tiếp diễn khiến nhiều người dân bị ngộ độc.

GS-TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ngoài việc tăng cường kiểm soát rượu không rõ nguồn gốc, tuyên truyền cho người dân uống rượu có nhãn mác, tránh lạm dụng bia rượu thì cần phải có biện pháp quản lý methanol hiệu quả hơn.

“Cần phải “bôi” xanh methylen để đánh dấu methanol là độc hại để người dân biết, đồng thời cũng khiến những kẻ muốn sử dụng methanol để làm giả rượu cũng không thể sử dụng được” – GS Tiến cho biết.