Vào tháng 11.2014, UBND huyện Sơn Tây đã tiến hành triển khai mô hình nuôi cá tầm thí điểm đầu tiên ở Quảng Ngãi, với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng tại khu vực suối Mang He, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua.
Clip: Cá tầm lớn nhanh như thổi, sống khỏe ở đất ngàn cau
Một góc trại nuôi cá tầm
Theo đó, trên diện tích ao 100m2, Trung tâm Khuyến nông Sơn Tây, đơn vị được giao thực hiện mô hình đã thả nuôi 500 con cá tầm giống, với trọng lượng 70gram/con. Sau khoảng 8 tháng, trừ hao hụt khoảng 10%, số cá tầm còn lại đạt 2,5-3kg/con, bằng trọng lượng cá thả nuôi hơn 1 năm so với dự tính.
Bên trong một hồ nuôi
Từ kết quả đạt được, tháng 7.2015, chính quyền huyện Sơn Tây mạnh dạn đầu tư thêm gần 1 tỉ đồng đào thêm 4 ao (100m2/ao), trong đó có 1 ao để dự phòng và thả nuôi khoảng 2000 con giống. Đến nay cá tầm đạt trọng lượng từ 3,5-5 kg/con.
Khoảng 50 con của đợt đầu tiên được để lại tiếp tục nuôi thí điểm xem thử có thể cho trứng hay không, hiện có con nặng gần 15 kg.
Cá tầm thích nghi và phát triển tốt tại Sơn Tây
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Trần Quý, Trưởng trạm khuyến nông huyện Sơn Tây khẳng định: "Không chỉ thích nghi tốt mà cá tầm nuôi tại đây phát triển nhanh với trọng lượng đạt cao hơn so với dự tính từ 0,5-1kg/con/năm. Qua đánh giá thì trừ hao hụt khoảng 10% và chi phí giống, thức ăn, công....với trọng lượng xuất bán trung bình khoảng 2 kg/con/năm nuôi, thì lợi nhuận mang về ước đạt từ 60-70 triệu đồng/ao/năm".
Một trong những con cá tầm nuôi đợt đầu tiên
Tuy nhiên, ông Quý cũng cho biết thêm, để nuôi cá tầm, cần tuân thủ một số biện pháp kĩ thuật nhất định, vốn đầu tư ban đầu khá cao...Trong khi đó người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Ca Dong, nên khó có thể chuyển giao, khuyến khích tham gia. Vì vậy, chính quyền địa phương đang hướng đến liên kết với các doanh nghiệp, để phát triển nhân rộng vật nuôi này.