Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an soạn thảo đang được ý kiến rộng rãi, có quy định gây nhiều tranh cãi. Đó là chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
Nhiều vụ phát hiện thiết bị quay lén được sử dụng vào mục đích xấu (ảnh IT)
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động), người thường xuyên tác nghiệp điều tra báo chí cho biết: Rất nhiều tác phẩm phóng sự điều tra được phát trên truyền hình, trên báo in, báo điện tử của chúng tôi đều được tác nghiệp bằng thiết bị ngụy trang để quay lén.
“Để xâm nhập điều tra một vấn đề tiêu cực của tổ chức, cá nhân đang gây nguy hại cho xã hội, phóng viên không thể không dùng thiết bị ngụy trang để quay lén được. Nếu chỉ dùng máy ảnh hay điện thoại để quay lén, đối tượng bị quay họ sẽ phát hiện khiến phóng viên gặp rất nhiều nguy hiểm. Chúng tôi phải dùng thiết bị quay được ngụy trang dưới hình thức là cúc áo, đồng hồ, kính, chùm chìa khóa. Nhiều tác phẩm báo chí được tác nghiệp bằng hình thức đó đã trở thành tài liệu chứng cứ quan trọng để cơ quan công an phá án" - nhà báo Doãn Hoàng nói.
Anh cũng dẫn chứng, mới đây loạt phóng sự về thịt lợn bẩn ở Cao Bằng, sau khi phát sóng, đăng tải, lực lượng công an đã đi cùng anh, ngồi trên xe ô tô của anh để xem lại những hình ảnh được quay lén để xử lý đối tượng sai phạm.
Nhiều vụ điều tra về thực phẩm bẩn phải dùng thiết bị ngụy trang để ghi hình (Ảnh: I.T).
Theo nhà báo Hoàng, dự thảo Nghị định cần có sự rành mạch, nếu quy định chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình thì sẽ gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho phóng viên trong hoạt động điều tra báo chí.
“Có lẽ cơ quan soạn thảo muốn loại bỏ những đối tượng dùng các thiết bị ngụy trang quay lén để làm ra những việc mang tính xấu ra, đen tối, xâm hại đời tư, xâm hại an nin quốc gia. Tôi ủng hộ việc cấm để tránh việc lạm dụng. Tuy nhiên với hoạt động tác nghiệp của báo chí điều tra chúng tôi phải sử dụng thiết bị ngụy trang quay lén, nếu không làm thế không thể có tác phẩm được. Chính vì thế khi cơ quan chức năng ban hành quy định gì liên quan đến hoạt động báo chí cần phải tạo hành lang để báo chí hoạt động và cống hiến” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Theo nhà báo Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí 2016, có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, trong các điều nhà báo không được làm không có điều nào nói nhà báo dùng các kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp để thu thập thông tin, nên nghị định hay văn bản dưới luật không được có những quy định trái tinh thần của luật.
Khi xây dựng nghị định, cơ quan soạn thảo cần xét đến các yếu tố liên quan đến các ngành hoạt động cũng vì mục đích chung như hoạt động báo chí. Theo ông Minh để đảm bảo hoạt động tác nghiệp của báo chí điều tra, ngoài cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, cần mở rộng đối tượng sử dụng là cơ quan báo chí, nhà báo.
“Việc mở rộng này dưới hình thức cấp phép các loại thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình, chẳng hạn mỗi cơ quan báo chí được mua bao nhiêu thiết bị, có mã số để quản lý. Như vậy khi nhà báo muốn sử dụng để tác nghiệp họ phải thông qua cơ quan, việc sử dụng sẽ đúng mục đích” – ông Minh nói.