Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu về tái cơ cấu nông nghiệp sáng 10.4
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, “Lai Châu là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng (9.068 km2), nhưng dân số thưa (432.000 người); tỉnh có 20 dân tộc, trong đó 87% là dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu có 4 dân tộc đặc biệt khó khăn là: Mảng, Cống, Si La, La Hủ - những dân tộc còn dưới 1 vạn người được Chính phủ có quyết định riêng phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh có 75/96 xã là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến hết 2016 là 34,8% (so với tiêu chí cũ là 24,48%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 22,8 triệu đồng /năm”.
Để đảm bảo tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Lai Châu đã rất tích cực trong việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất những cây, con có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Theo ông An, đến nay tỉnh Lai Châu đang tập trung sản xuất lúa gạo, trong đó có một số giống đặc sản ở các huyện: Tân Uyên, Thanh Uyên và một phần huyện Tam Đường. Tỉnh có vùng chè 4.500ha, nằm chủ yếu ở thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường, huyện Tân Uyên, Than Uyên. Đây là vùng chè ở độ cao từ 600m trở lên so với mực nước biển nên chất lượng chè khá tốt và đang từng bước xây dựng thương hiệu chè. “Hiện nay, chúng tôi đang đưa chè lên ở độ cao 1.600-1.700m so với mực nước biển, năm ngoái bắt đầu trồng ở huyện Sìn Hồ được hơn 100ha. Vùng này chè cổ thụ còn tương đối khá” - ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Nguyễn Khắc Chử
Một cây trồng khác là cao su, đến nay toàn tỉnh Lai Châu đã trồng được 13.500ha. Năm 2017, diện tích cao su cho khai thác là 70ha, năm nay nâng diện tích khai thác lên 2.700-3.000 ha. Qua khảo sát bước đầu, năng suất tương đương với năng suất cao su ở miền Đông Nam bộ, nhưng tỷ lệ chất khô lại khá hơn (chất khô ở miền Đông Nam bộ 62%, Lai Châu đạt 68%). Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ký bước đầu với 11.000 hộ dân về góp đất và ăn chia sản phẩm từ trồng cây cao su.
Trước khi xuống làm việc với Bộ NNPTNT, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Nguyễn Khắc Chử cho hay, ông đã bố trí cho Ban thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đi khảo sát vùng đất rộng 5.000-7.000ha. “Đây là vùng đồi đều đều, nằm ven sông Đà và lòng hồ thủy điện nếu có doanh nghiệp nào nghiên cứu nuôi đại gia súc tốt” – ông Chử cho hay và khẳng định “làm ra tấm ra miếng, phải có doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gợi ý nhiều chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp cho tỉnh Lai Châu.
Sau khi nghe thông tin tại buổi làm việc và được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trực tiếp giới thiệu, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm sữa TH (TH Milk) cho biết, sẽ sớm bố trí lên Lai Châu khảo sát để phát triển đàn bò sữa và trồng dược liệu theo hướng hữu cơ. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Lai Châu đã đạt được sau 13 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh điện năng và môi trường. Để bàn cách làm giàu, khai thác tiềm năng, lợi thế rất lớn của tỉnh, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lai Châu rà soát, hoàn thiện tổng quy hoạch, trong đó có quy hoạch về điện năng. “Riêng về nông nghiệp, Lai Châu cần rà soát quy hoạch nông nghiệp để hoàn thiện quy hoạch, lựa chọn đối tượng chính có tính đặc thù và lợi thế giá trị cao nhất” – Bộ trưởng nhất mạnh.
Bộ trưởng dẫn chứng: Một quả nhàu ở một ốc đảo mà hiện nay mua bán phải có địa chỉ thì mới bán và giá trị đạt mấy tỷ USD. Vì thế, việc Lai Châu lựa chọn đối tượng cây, con không phải chỉ danh riêng cho Lai Châu và 92 triệu dân trong nước mà phải nhắm tới 7 tỷ dân của thế giới. “Nguyên lý của lựa chọn cây, con là tiết kiệm tài nguyên, có vùng lớn – đã chọn phải hình thành vùng lớn, nhắm 7 tỷ dân; thứ hai phải công nghệ cao; thứ ba ưu tiên các đối tượng sản xuất nông nghiệp, nhưng phải lồng ghép nông nghiệp công nghệ chế biến, dịch vụ du lịch; thứ tư, phải có doanh nghiệp làm hạt nhân” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.