Nhưng có một tiếng còi lẽ ra cần phải cất lên, nhưng chưa ai thổi, đó là cái cách phản ứng thái quá, thậm chí có người ví là thiếu suy nghĩ của cầu thủ , ban huấn luyện đội bóng cũng như các cổ động viên quá khích với trọng tài.
Sau trận bóng đầy “bi hài kịch” giữa CLB TP HCM với ĐTLA cách đây ít lâu, thêm một lần nữa người hâm mộ môn túc cầu cảm thấy thất vọng và chán nản khi phải chứng kiến những gì diễn ra ở trận đấu giữa đội bóng HAGL và FC Thanh Hóa. 95 phút thi đấu là tổng hợp của những hình ảnh đáng buồn, từ chuyên môn trình độ của trọng tài, cho đến cái cách mà cầu thủ, ban huấn luyện cho đến khán giả trên sân phản ứng lại với các quyết định của những “ông vua áo đen”.
Trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Tấn Anh xộc thẳng vào sân để phản đối quyết định của trọng tài Trần Xuân Nguyện.
Không bàn đến các tình huống mà trọng tài Trần Xuân Nguyện thổi phạt công nhận bàn thắng rồi sau đó bẻ còi và không công nhận bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 của HAGL; tình huống phạt thẻ vàng thứ 2 tước quyền thi đấu của A Hoàng, tình huống công nhận bàn nâng tỷ số 3-2 của FC Thanh Hóa là đúng hay sai về mặt nghiệp vụ, chuyên môn của người cầm. Bởi đúng hay sai trong bóng đá, nhất là với những cái đầu nóng trên sân cỏ, nhiều khi chỉ là sự cảm tính chủ quan, nên cần có cơ quan có chuyên môn phân tích, đưa ra kết luận cuối cùng.
Cái mà nhiều khán giả muốn nói đến, là sau 34 năm tổ chức giải bóng đá quốc gia mang tên V.League và 17 năm được công nhận tinh chuyên nghiệp, vẫn còn có thể tồn tại những hình ảnh của thứ bóng đá “ao làng”, nuôi mãi “không chịu lớn” như V.League đến vậy. Đó là, để phản ứng tình huống Thanh Hóa ghi bàn nâng tỷ số lên 3-2, trưởng đoàn bóng đá HAGL là ông Nguyễn Tấn Anh có thể thoải mái xộc thẳng từ đường biên chạy hơn 50m vào giữa sân , giơ tay chỉ vào mặt với vẻ mặt biểu lộ hăm dọa mà trọng tài Trần Xuân Nguyện lại không dám rút ra một “thẻ đỏ” dành cho ông trưởng đoàn.
Ở phút 95, khi trận đấu chỉ còn ít giây nữa kết thúc, cầu thủ HAGL phạm lỗi vào bóng thô bạo với FC Thanh Hóa, trọng tài Trần Xuân Nguyện chạy đến, ai cũng nghĩ ông sẽ rút ra một thẻ phạt cho cầu thủ HAGL. Nhưng thật ngạc nhiên khi đó ông lại bỏ qua tình huống thổi phạt này và tuýt còi kết thúc trận đấu, trong sự lo lắng và muốn chấm dứt ngay những sức ép đang dồn tứ phía về mình.
Hình ảnh ông Nguyện vội vã tuýt còi chấm dứt trận đấu trong tình huống phạm lỗi của cầu thủ HAGL đối với cầu thủ FC Thanh Hóa làm người xem thấy ông vừa đáng thương lại vừa đáng trách.
Trọng tài Trần Xuân Nguyện và trợ lý Phạm Phú Hưng bị đình chỉ làm nhiêm vụ vì mắc nhiều sai sót.
Ông đáng trách là người ta giao cho ông quyền cầm cân nảy mực, mà ông không biết cân phải cầm như nào và mực thì nảy đi đâu cho đúng. Ông tuýt còi công nhận bàn thắng nhanh bao nhiêu và bẻ còi cũng nhanh bấy nhiêu. Ông rút thẻ vàng thứ 2 tước quyền thi đấu của cầu thủ A Hoàng rất dứt khoát, nhưng lại không dám rút thẻ dành cho ông trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh với cách phản ứng như giang hồ “bụi đời Chợ Lớn”. Ông đáng trách vì ông bị cảm xúc cá nhân của mình chi phối lên công việc, trọng trách được giao.
Nhưng ở một khía cạnh nào đó, người ta cũng thương thay cho ông Nguyện. Làm trọng tài, mà từ cầu thủ cho đến ban huấn luyện đội bóng, thậm chí một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó trên sân cũng có quyền lao đến chỉ tay vào mặt và buông những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến vậy mà ông không dám có một phản ứng mạnh tay nào.
Thương ông, vì ông cầm cân nảy mực cho một môn thể thao mà lâu nay người ta vẫn hô khẩu hiệu là fair play, nhưng thực tế trên sân là những cầu thủ sẵn sàng lao vào chặt chém triệt hạ đối phương, rồi những HLV cho đến người phụ trách bóng đá quyết “ăn thua đủ” với trọng tài trên sân mà không có ai đứng ra bảo vệ. Đọc những thông tin sau trận đấu, nhiều cổ động viên quá khích còn quây lại định “làm thịt” trọng tài Trần Xuân Nguyện và phải nhờ đến đội hộ tống đặc biệt mới ra được khỏi sân để về nhà, khiến nhiều khán giả đề nghị phải đưa nghề trọng tài vào danh sách các… nghề nguy hiểm.
Ông Nguyện thổi còi phân định tình huống đúng sai trọng trận đấu, nhưng suốt một ngày hôm nay tôi chưa đọc được một dòng thông tin nào từ phía VPF hay VFF “thổi còi” để bảo vệ nhân phẩm, danh dự cho ông khi bị ban huấn luyện cho đến cầu thủ miệt thị, xúc phạm cay nghiệt đến như vậy. Quan chức bóng đá người thì đề nghị đôn trọng tài trẻ lên thay với lý do trọng tài trẻ được đào tạo bài bản hơn. Lại có quan chức đề xuất thuê trọng tài ngoại về điều hành trận đấu. Và mọi búa rìu đều dồn dập đổ lỗi cho trọng tài Xuân Nguyện, như là cách để người khác che đậy hoặc xóa đi những lỗi của chính mình khi để một môn bóng đá vốn được xem là môn “thể thao vua” trở thành môn vừa hài, vừa nhảm như bấy lâu nay.