Công việc vất vả nhưng thu nhập cao
Chị Nguyễn Thị Tình (22 tuổi, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ, chị đang làm điều dưỡng tại một trung tâm điều dưỡng thuộc trường nghề điều dưỡng của Hội Chữ thập đỏ Brauschweig (Đức). Ngoài việc học vào các buổi sáng, buổi chiều Tình thường đi làm, mức lương khoảng 50 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca. “Ở đây có 3 điều dưỡng phục vụ 40 cụ già. Điều kiện làm việc trong các nhà dưỡng lão khá vất vả, tuy nhiên mức lương khá cao nên tôi chấp nhận” – Tình cho hay.
Ứng cử viên đang được đào tạo tiếng Đức tập trung tại Trường CĐ ASEAN ở Hưng Yên.
Ảnh: M.N
Công việc của chị Lê Thị Hằng (Thanh Hóa) - một điều dưỡng khác của Việt Nam sang làm việc tại Đức cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay từ 6 giờ sáng cô đã phải tất tả trên hành lang nhà dưỡng lão Leonhard-Henninger, thành phố Munich. Tuy nhiên, thu nhập khá nên chị chấp nhận vất vả. “Hiện em đã được Đức cấp chứng chỉ quốc gia về chăm sóc người già. Hiện mức lương của em từ 1.800-2.300 euro/tháng (tương đương 45 tới 55 triệu đồng). Có bạn sau khi được cấp chứng chỉ mức lương thậm chí đã tăng gấp đôi (gần 100 triệu đồng/tháng), tính cả tiền tăng ca”- Hằng nói.
Tình và Hằng là 2 trong số 100 y tá, hộ lý được tuyển trong Chương trình đưa điều dưỡng sang làm việc ở Đức nằm trong chương trình phối hợp thí điểm do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế (Bộ Kinh tế Đức) triển khai khóa đầu tiên năm 2013.
Nộp đơn từ 15.4 đến 15.6
Bà Chu Thị Phương Nhung - Điều phối viên dự án của Tổ chức Hợp tác quốc tế cho biết, theo dự báo của Đức, họ đang cần tới 17.000 điều dưỡng viên. Điều dưỡng viên đi Đức làm việc ở 3 lĩnh vực là điều dưỡng chăm sóc người già, chăm sóc người bệnh, chăm sóc trẻ em.
Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tiếp nhận hồ sơ dự tuyển điều dưỡng chăm sóc người bệnh khóa 2. Học viên có thể nộp đơn đăng ký từ 15.4 đến ngày 15.6.2017. Khi vượt qua vòng sơ tuyển, lao động sẽ được tập trung đào tạo tiếng Đức 1 năm tại Việt Nam. Khác với khóa đầu tiên, các ứng viên khóa 2 chỉ được miễn phí chỗ ở và 3 bữa ăn từ thứ 2 đến thứ 6. Chi phí trong thời gian học tiếng do Bộ Kinh tế Đức tài trợ 2/3, ứng viên tự đóng góp với mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Viết Hương – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Mặc dù cơ hội cho điều dưỡng Việt Nam tham gia thị trường lao động tại Đức là rất lớn nhưng khi tiếp cận cũng gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là vốn tiếng Đức, khả năng thích ứng với nền văn hóa của lao động ta còn quá yếu. Vì thế, cần phải đẩy mạnh đào tạo lao động, nhất là ngoại ngữ”.
Từ năm 2013 tới nay Việt Nam đã đưa được 276 điều dưỡng viên sang Đức làm việc chăm sóc người già. Hiện đã có 98/100 lao động được cấp chứng chỉ quốc gia sau 3 năm làm điều dưỡng tại Đức. Nếu ứng viên học và làm việc 5 năm sẽ được nhận thẻ xanh, được hưởng các ưu đãi như công dân Đức. |
Theo ông Hương, tuy yêu cầu chuyên môn từ ứng cử viên là hộ lý sang làm việc ở Đức không cao như thị trường Nhật, nhưng nước Đức lại yêu cầu cao về tiếng và khả năng gắn bó, đạo đức nghề nghiệp. Hiện tại, các ứng cử viên đăng ký đi làm hộ lý tại Đức có thể đã hoặc đang học chuyên ngành hộ lý, điều dưỡng ở Việt Nam. Không cần giỏi chuyên môn, chỉ cần có vốn tiếng và yêu nghề thì sau khi được tuyển chọn sẽ được đưa sang Đức đào tạo lại từ đầu cả về chuyên môn và tiếng Đức.
Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nơi đào tạo cử nhân điều dưỡng chương trình tiên tiến, cho biết, hiện đã có 20 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp đăng ký sang làm việc tại Đức. 20 cử nhân này đều đã có chứng chỉ quốc gia hành nghề điều dưỡng của CHLB Đức, có giá trị trên toàn liên minh châu Âu. Mức lương khởi điểm là 2.300 euro/tháng (khoảng 54 triệu đồng), chưa tính phụ cấp nếu làm thêm giờ. Nếu lao động nào chăm chỉ còn có thể nhận mức lương cao hơn, thậm chí cao gấp đôi so với mức lương cơ bản.
“Tuy nhiên, phải khẳng định đưa điều dưỡng đi làm việc là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Do vậy, hai bên nhất trí phối hợp để kiểm soát việc đưa và tiếp nhận điều dưỡng viên, tránh trường hợp lao động đi theo kênh ngoài sang Đức thì bị “bỏ chợ”, không được quản lý, hỗ trợ khi cần thiết” – ông Hương nói.