Dân Việt

Mỗi cán bộ khuyến nông có một mô hình kinh tế

Phạm Lê Duy 11/04/2017 18:46 GMT+7
Thay vì chỉ giảng lý thuyết cho nông dân, gần đây một số cán bộ khuyến nông đã phát triển các mô hình kinh tế tại gia đình mang lại hiệu quả rõ rệt, từ đó để nhân dân học tập và làm theo.

img

Ông Nguyễn Mạnh Tường, xã Tứ Quận (Yên Sơn) chăm sóc vườn bưởi.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường, cán bộ tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh tại xã Tứ Quận (Yên Sơn). Gia đình ông hiện có 2 ha đất vườn trồng bưởi Diễn, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Tường cho biết: Mình làm cán bộ, có kiến thức về giống cây, cách chăm sóc, tại sao lại không phát triển mô hình kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình. Nghĩ là làm, năm 2005 ông và gia đình thay toàn bộ diện tích trồng cam trước đó (1991 - 2005) để trồng bưởi.

Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên vườn bưởi của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện vườn bưởi của gia đình có khoảng 700 cây, trong đó hơn 200 cây đang kỳ cho quả, còn lại là bưởi mới trồng và sắp cho quả. Vừa là cán bộ khuyến nông, lại có mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả nên mô hình của ông có nhiều nông dân các xã trên địa bàn tỉnh đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt là một số lớp của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh cho sinh viên đến thực tập, tham quan. Toàn tỉnh hiện có 24 mô hình phát triển kinh tế của cán bộ khuyến nông tại tất cả các huyện, thành phố, nhiều nhất ở huyện Chiêm Hóa với 8 mô hình.

Nổi bật là mô hình của chị Đỗ Thị Hằng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn với 100 con lợn thịt; ông Hà Quang Mai, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa với mô hình tổng hợp gồm 1,7 ha rừng, 0,5 ha cây ăn quả, 2.000 con gà thịt, 10.000 con chim cút thịt và lấy trứng, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng...

Bà Nguyễn Thị Kim, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Việc phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế của cán bộ khuyến nông là chủ trương đúng đắn của tỉnh, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ khuyến nông tại cơ sở. Cán bộ khuyến nông khi đã có mô hình kinh tế hiệu quả sẽ thuyết phục được bà con làm theo, bảo đảm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, người nông dân có thu nhập cao hơn.

Thực hiện chỉ đạo “mỗi cán bộ khuyến nông phải có mô hình kinh tế hiệu quả” của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng chương trình cho vay với lãi suất 0,7%/tháng đối với cán bộ khuyến nông làm kinh tế. Dự kiến chương trình sẽ được ký kết trong tháng 4 này. Cán bộ khuyến nông là người am hiểu nhất về khoa học kỹ thuật, làm kinh tế có hiệu quả là cách tốt nhất để thuyết phục người dân làm theo.

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 300 cán bộ khuyến nông, khi các mô hình được xây dựng và phát huy hiệu quả góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp ở mỗi địa phương. Việc lựa chọn các mô hình phù hợp với từng cán bộ sẽ được đánh giá nghiêm túc để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.