Cụ thể, tại khoản 3, Điều 4 dự thảo Nghị định này đề xuất:
“Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Tại khoản 6 Điều 5 của dự thảo cũng nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Trước sự việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) đã bày tỏ quan điểm của mình và cho rằng dự thảo này là không thực tế.
Dự thảo vô hình tạo cơ hội vi phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh. (Ảnh: I.T)
Theo luật sư Truyền, đầu tiên phải khẳng định dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là nghị định quy định về một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở kinh doanh trong đó quy định rõ chỉ có 3 đối tượng được phép kinh doanh như đơn vị thuộc Bộ Công an, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và đơn vị được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Theo luật sư Truyền, việc một nghị định đang quy định về điều kiện kinh doanh một lĩnh vực hàng hóa có điều kiện có thể gài cắm thêm các quy định, các chế tài mà nó đã được quy định trong luật, trong Hiến pháp khiến người dân có nhiều băn khoăn.
“Quy định này đã đi ngược lại quy định về quyền thu thập chứng cứ của người dân trong Luật Tố tụng dân sự 2015, đã có hiệu lực tại Điều 94, Điều 95 quy định nguồn chứng cứ là các dữ liệu điện tử được thu thập; tổ chức cá nhân có quyền thu thập tài liệu chứng cứ bằng những biện pháp như thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử” – luật sư Truyền phân tích.
Vị luật sư của Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cũng dẫn chứng thêm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tới đây có hiệu lực cũng có quy định mới về dữ liệu điện tử ở chương về chứng cứ tại Điều 99, cụ thể:
Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác...
Tiến hành xem xét kỹ lưỡng đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị của Bộ Công an, ông Truyền cho rằng, việc gom quy định những người sử dụng vào vô hình chung đã tạo ra cơ hội vi phạm pháp luật cho tất cả mọi người.
Luật sư Truyền đặt vấn đề: Các thiết bị điện thoại thông minh cũng có chức năng ghi âm, ghi hình và có thể được hiểu đã được nguỵ trang dưới hình thức, tên gọi là điện thoại. Những dữ liệu ghi trong điện thoại thông minh đó có vi phạm theo quy định tại dự thảo Nghị định này hay không?
Hơn nữa, theo quan điểm của luật sư Truyền, có những lĩnh vực đặc biệt như báo chí, luật sư, những đối tượng phải sử dụng thường xuyên các thiết bị ghi âm, ghi hình đặc thù là hoàn toàn phù hợp với quy định của luật chuyên nghành là Luật báo chí, Luật luật sư nhằm mục đích phục vụ cho công việc hành nghề của mình.
Ông Truyền đánh giá, quy định trong dự thảo Nghị định trên vô hình chung đã đi ngược lại với quy định của luật, đi ngược lại quy định của Hiến pháp. Với người dân có trách nhiệm tố giác tội phạm tham nhũng, đây là những chủ thể đặc biệt, có quyền lực do pháp luật trao. Việc tố cáo không có căn cứ (do không được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình đặc thù) của người dân đối với các tội danh tham nhũng sẽ bị rơi vào trường hợp vi phạm tội “vu khống” hoặc tệ hơn có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Nhiều vụ việc thực phẩm bẩn rúng động, nhiều chuyên án lớn được báo chí phanh phui đều nhờ sự hỗ trợ đắc lực của thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang chuyên dụng. (Ảnh: I.T)
"Thời gian qua rất nhiều vụ tham nhũng đình đám được phanh phui nhờ vào sự tố giác của dân chúng, của truyền thông và hầu như đều phải có những chứng cứ điện tử là file ghi âm, ghi hình và không ít trong số đó được thực hiện dưới hình thức giấu kín, hay nguỵ trang” – luật sư Truyền lo ngại.
Dự thảo Nghị định không khả thi
Theo luật sư Truyền, một loạt vấn đề bất cập và hạn chế như kể trên của dự thảo Nghị định phần nào triệt tiêu quyền của người dân, do vậy có thể đánh giá quy định của dự thảo Nghị định này không khả thi.
Ông Truyền phân tích, khi quy định này được thể chế hoá và có hiệu lực thì những file ghi âm, ghi hình có được bằng phương thức giấu kín, nguỵ trang sẽ bị người dân chuyển cho các bên thứ 3 vì không muốn liên luỵ. Với tốc độ của mạng xã hội, kênh chia sẻ trực tuyến đang rất mạnh như hiện này, các đối tượng khác sẽ sử dụng những tài liệu này vào mục đích xấu.
“Dự thảo quy định theo hướng cấm người dân, tổ chức - ngoài những người được chỉ định - sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình chuyên dụng - dường như vô tình tạo cơ hội vi phạm pháp luật cho mọi người. Cụ thể, nó sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan bị người dân giám sát chối tội, thậm chí kết tội lại những người đã, đang tích cực phòng chống tham nhũng” – luật sư Nguyễn Thế Truyền chốt lại.