Gần đây các mạng xã hội rộ lên bao nhiêu kiểu dạy trẻ, gây nhiều tranh cãi. Các ông ba bà má trẻ thể hiện rất nhiều cảm xúc cung bậc khác nhau: ngợi ca, thèm khát muốn học theo. Nào là mẹ Tây dạy con độc lập, lớn lên mới tuổi thanh thiếu niên đã ra ở riêng. Nào là mẹ Nhật, mẹ Cọp kỷ luật sắt gây xôn xao một dạo kiểu như không xem tivi khi chưa xong bài, không ngủ lại nhà bạn, một ngày chơi dương cầm mấy tiếng, điểm số ở trường phải là điểm ưu… (Sao họ làm thế được nhỉ, trong khi ở các gia đình thành phố ta, bắt trẻ rời cái vi tính, iPad, hoặc đi đánh răng, đi tắm, ngồi vào bàn ăn đàng hoàng xem có dễ không).
Amy Chua, giáo sư trường luật Yale, người mẹ cọp nổi tiếng với cuốn hồi ký Battle Hymn of the Tiger Mother (Chiến ca của người mẹ cọp).
Khắt khe vậy nhưng họ không bỏ mặc con. Cứ xem những hộp cơm mẹ Nhật chuẩn bị bữa trưa cho con ở trường mà giật mình. Miếng cơm hình trái tim, rau củ cắt hình con thỏ màu xanh… mở hộp ra cứ tưởng bức tranh màu nghệ thuật. Các mẹ đã chuẩn bị thật ngon thật đẹp cho con ăn không chỉ ngon mà còn thích thú. Công lao như thế đâu phải họ bỏ mặc con xoay xở mới là rèn cho con độc lập.
Thì ra vấn đề chính là ở chỗ, hiếm có bà mẹ Việt nào bây giờ có đủ thời gian để chải đầu, cột tóc cho con gái đi học, huống chi là ngồi xếp cơm, tỉa hoa. Thời gian đầu bù tóc rối chủ yếu là để kiếm tiền, thật nhiều tiền để được sống tiện nghi. Tìm đủ mọi cách để mua cái bình hoa đẹp, nhưng dành một chút thời gian để giải thích cho con về cái đẹp là gì? Tại sao phải sống gọn gàng? Làm thế nào để có thể cầm chổi đúng cách và lau nhà cho sạch... tóm lại, đứa trẻ thời hiện đại lớn lên nghèo kỹ năng sống, thừa mứa và dư cân vì cắm đầu vào tivi, iPhone, iPad trong lúc bố mẹ nó tả tơi vì chạy khắp nơi kiếm tiền cho nó được đời sống sung túc... cứ thế cái vòng quẩn quanh.
Còn nữa, bây giờ ở ta còn có model “không cần giỏi”. Là vì học hành vớ vẩn cỡ nào cũng 100% giỏi và lên lớp tuốt. Xem cung cách bài vở nhồi nhét, cả triệu đứa trẻ phải thuộc lòng con thằn lằn có bao nhiêu đốt sống cổ, hạch thần kinh của con giun nằm ở lỗ nào, cái sườn dốc của bình nguyên châu Phi nó chạy từ kinh tuyến nào… Thấy vô bổ quá. Nhưng cha mẹ vẫn phải nhồi học thêm để được học sinh giỏi nên thời gian còn lại như con thoi suốt ngày ngoài đường. Về đến nhà là cả cha mẹ lẫn con cái mệt phờ, chẳng còn thời gian nào cho nhau để cùng chia sẻ chuyện riêng tư, vui buồn và vòng đời lại tiếp tục khi sáng hôm sau dậy từ 5 giờ mà ai cũng tất bật cho đến 10 giờ đêm.
Ở thành phố lớn, vợ chồng trẻ thích ở riêng, nhưng lại cần sự giúp đỡ của ông bà nội ngoại. Muốn ông bà (nội, ngoại) giải quyết khó khăn cho mình như đưa đón, chăm sóc nấu ăn tắm giặt cho cháu, chứ lại không muốn ông bà ảnh hưởng lên các cháu. Cho là ông bà lạc hậu. Chiều cháu quá, làm thay cho nó, không cho nó tự lập. Còn ông bà thì vừa mệt đứt hơi vừa “sợ bố mẹ nó không bằng lòng”. Nhiều ông bà đều qua đại học, có người tiến sĩ, có địa vị xã hội, là cán bộ nhân viên, đâu phải thất học lạc hậu. Vậy mà về hưu là con dâu con rể gái trai gì cũng coi như không thể tin tưởng được về kiến thức hiện đại các cô cậu đang theo đuổi (có khi phản khoa học gớm cứ tưởng là hay, dưới mắt ông bà không hiểu nổi như luôn ăn tiệm, thoắt cái đổi xe hoang phí, mê của độc hại béo phì thức ăn nhanh…) Mâu thuẫn gia đình đó chứ đâu. Không thích ở chung, nhưng rất cần sự giúp đỡ…
Giới nghiên cứu cho rằng hình ảnh điển hình của cha mẹ ngày nay là luôn thiếu thời gian, cần hình thể đẹp, và… luôn thiếu tiền. Họ “cái gì cũng biết, nhưng thật ra lại… không biết cái gì”. Là bởi thừa thông tin, cái gì cũng nghe nói rồi, lý thuyết đầy tai rồi, nhưng không biết một cách sâu sắc và hệ thống các kiến thức cần thiết nhất với mình. Và không có sức, thời gian theo đuổi thực hành.
Quý vị thấy giới nghiên cứu nói thế, với mình, là đúng hay sai? Hay cứ “nói nhanh cho nó vuông” là tại hoàn cảnh?