Tata Motors thành lập từ năm 1945 và hiện nay là nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Ấn Độ với giá trị doanh thu hợp nhất năm 2013-2014 khoảng 38,9 tỷ USD, đồng thời là một trong 10 công ty lớn nhất Ấn Độ, chỉ xếp sau các tập đoàn năng lượng, dầu khí. Công ty này gây tiếng vang vào tháng 1/2008 khi trình làng mẫu xe Tata Nano - được mệnh danh "ô tô giá rẻ nhất thế giới" nhờ giá bán khởi điểm chỉ chưa đến 2.000 USD (40 triệu đồng vào thời điểm đó).
Tata Nano có thiết kế 4 cửa, dài 3.100 mm, rộng 1.500 mm và cao 1.600 mm. So với Daewoo Matiz, một dòng xe đô thị rất quen thuộc và nổi tiếng nhỏ bé, Nano thậm chí còn ngắn hơn tới 395 mm. Động cơ của Nano chỉ có 2 xy lanh, dung tích 624cc, kết hợp cùng hộp số sàn 4 cấp. Để so sánh, Matiz vốn sở hữu động cơ công suất 52 mã lực khá yếu nhưng vẫn có dung tích đến 796cc.
Trái với những kỳ vọng ban đầu, việc gắn mác "ô tô rẻ nhất thế giới" hóa ra lại ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số của dòng xe này. Nhiều người không muốn mua Nano vì sĩ diện, tránh bị coi là nghèo khó đến mức phải dùng chiếc xe rẻ nhất thị trường. Một số khác cho rằng trang thiết bị của Nano nghèo nàn, ít chức năng tiện ích, không có túi khí, không có hệ thống giải trí nên chẳng hơn xe máy là bao.
Không lâu sau khi Nano ra mắt, một số vụ cháy xe đã xảy ra cũng làm xấu thêm hình ảnh thương hiệu Tata và dấy lên các vấn đề về chất lượng sản phẩm. Tuy hiện tại Tata đã khắc phục hầu hết những lỗi vặt và các dòng Nano về sau này không có vấn đề gì nghiêm trọng về kỹ thuật, công ty vẫn không bán được nhiều xe. Những gì đã mất đi rất khó lấy lại.
Tata cũng đã nhiều lần nâng cấp và giới thiệu các phiên bản mới của Nano, chẳng hạn như Twist Nano, Nano Emax hay GenX Nano. Gần đây nhất, công ty còn nỗ lực bổ sung thêm tính năng cho Nano nhằm tăng sức cạnh tranh. Tay lái trợ lực điện, hệ thống giải trí tích hợp Bluetooth và hộp số bán tự động đều là những cải tiến đáng ghi nhận. Đáng tiếc là tất cả những cố gắng đó vẫn không thuyết phục được khách hàng.
Theo những thống kê vài năm qua, Tata chỉ đủ sức duy trì doanh số Nano ở mức 1.000 chiếc mỗi tháng. Đây là con số quá nhỏ đối với một dòng xe phổ thông có tham vọng phủ kín thị trường. Doanh số kém cũng khiến Tata chật vật trong việc giữ giá bán Nano đủ thấp, nhưng việc tăng giá là không tưởng với dự định ban đầu của xe.
Tương lai của Nano coi như đã định đoạt khi Tata công bố dự án mới có tên Tamo. Công ty cũng cho biết sẽ chỉ sử dụng 2 nền tảng khung gầm thay vì 6 như hiện tại, để tăng hiệu quả sản xuất. Đầu tiên là Advanced Modular Platform dùng được cho các chủng loại từ hatchback cho tới xe thể thao. Thứ 2 là biến thể của nền tảng lấy từ Land Rover, dùng cho các mẫu SUV/MPV gầm cao. Nền tảng khung gầm tạo nên Nano tuyệt nhiên không được đề cập đến.
Nano như một ngôi sao sáng lóe lên bất chợt rồi vụt tắt, xuất hiện rất hoành tráng nhưng cũng chóng tàn. Bên cạnh chiến lược marketing không tốt nên không duy trì được hình ảnh đến người tiêu dùng, tư duy cắt giảm chất lượng để giá rẻ đã khiến Nano thất bại. Chưa kể hình thức xe không bắt mắt và trang bị quá nghèo nàn nên dù đã có nhiều sự cố gắng thay đổi, kết thúc đối với Nano là điều không thể tránh khỏi.