Sáng nay 14.4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì Hội nghị các trường ngoài công lập năm 2017 tại TP.HCM. Tại Hội nghị, những ưu điểm và hạn chế của hệ thống các trường ĐH ngoài công lập tại Việt Nam đã được mổ xẻ một cách chi tiết, rõ ràng nhất qua hàng loạt các chỉ số về nhân lực, cơ sở vật chất, năng lực tài chính,...
Đây cũng chính là báo cáo nghiên cứu được chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gợi ý và chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện.
Những con số bất ngờ...
Về diện tích đất đai do các trường sở hữu, báo cáo nhận được thông tin cung cấp từ 44 trường (trong tổng số 60 trường ĐH ngoài công lập), nhưng điều khá bất ngờ là chỉ 24 trường hoạt động trên diện tích đất sở hữu (chiếm 54,5%), 12 trường đi thuê 100% cơ sở đào tạo (chiếm 27,3%). Đáng nói, trong số 12 trường phải đi thuê 100% cơ sở đào tạo là những trường đã thành lập trên 20 năm; trong khi đó, trong số 24 trường sở hữu toàn bộ đất đai thì có 16 trường mới được thành lập trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Về cơ sở vật chất, đa phần các trường ĐH ngoài công lập theo hướng thực hành nên khá quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thực hành cho sinh viên. Tuy nhiên, tình hình đầu tư ở các trường cũng rất khác nhau, chẳng hạn về tiêu chí công trình giáo dục thể chất - quốc phòng thì có 16 trường trong tổng số 60 trường không có các công trình này. Hoặc, về ký túc xá cho sinh viên thì chỉ có 27 trường có ký túc xá, 15 trường đang xây dựng, các trường còn lại chưa có.
Thậm chí, với thư viện là bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong các trường nhưng trang thiết bị và đầu sách còn tương đối nghèo nàn. Một số trường chỉ có dưới 10 máy tính trong thư viện như ĐH Tân Tạo, ĐH Kinh Bắc, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu, ĐH Phan Thiết và ĐH Công nghiệp Vinh.
Tình hình tài chính của các trường cũng có nhiều vấn đề đáng bàn, chẳng hạn, trong vấn đề vốn góp thì có trường có số vốn góp cao nhất theo kê khai là ĐH Tân Tạo với hơn 3,5 nghìn tỷ đồng nhưng cũng có trường như ĐH Dân lập Phú Xuân, tổng vốn góp trên báo cáo kê khai chỉ là... 30 triệu đồng. Đáng nói, cơ cấu các khoản thu - chi của các trường ĐH ngoài công lập tương đối đồng nhất. Học phí là nguồn thu chủ yếu các trường (chiếm trên 61,17% tổng thu). Chi chủ yếu cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường như trả lương cho các bộ công nhân viên, chi phí điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất (59,79%).
“Điều này cũng phản ánh một thực tế là hoạt động của các trường ĐH ngoài công lập chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Vấn đề này cũng hàm chứa rủi ro về tài chính trong bối cảnh việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn”, báo cáo viên của nhóm nghiên cứu nhận định.
ĐH ngoài công lập cũng có “cá lớn, cá bé”
Điều bất ngờ trong báo cáo về các trường ngoài công lập là sự chênh lệch về quy mô giữa các trường. Chẳng hạn, nếu tính về phòng học thì ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM có nhiều phòng học nhất (519 phòng), trong khi ít nhất là ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chỉ có... 6 phòng. Tuy nhiên, cần lưu ý là ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM đang hoạt động trên khuôn viên đất thuê lại của Thành ủy TP.HCM.
Tương tự, về cơ sở vật chất thì một số trường như ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Thăng Long, ĐH Tây Đô, ĐH Tư thục Quốc tế Sài gòn, ĐH Công nghệ Tp. HCM, ĐH FPT, ĐH Dân lập Hải Phòng,... ngoài hệ thống phòng học thì còn có cả nhà thi đấu đa năng, có cả sân gofl, sân vận động, bể bơi... trong khi nhiều trường lại không có cả công trình giáo dục thể chất cho sinh viên.
Về quy mô đào tạo, ngoài Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không có sinh viên và trường ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã bị dừng tuyển sinh, 58 trường ĐH NCL còn lại đều có sinh viên đang theo học và tham gia khảo sát. Tuy nhiên, số lượng sinh viên các trường cũng có chệnh lệch rất lớn, trong đó trường có nhiều sinh viên nhất là Trường ĐH Công nghệ TP.HCM với 24.932 sinh viên, trong khi Trường ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Á Châu lại chỉ có 135 sinh viên, ít nhất hiện nay trong số các trường ngoài công lập.
Ngoài ra, về vấn đề liên kết đào tạo, có 3 trường có thông tin có sinh viên đào tạo tại trường nhưng cơ sở khác cấp bằng là ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, ĐH Yersin (Đà Lạt) và ĐH Công nghiệp Vinh, với số sinh viên khoảng hơn 600 người. 5 trường có đào tạo sinh viên ngoài trường là Quốc tế Hồng Bàng, Thành Tây, Duy Tân, Đông Á và Lạc Hồng (xếp theo thứ tự quy mô sinh viên), trong đó Trường có quy mô đào tạo ngoài cơ sở lớn nhất là Quốc tế Hồng Bàng với hơn 1.900 sinh viên...