Dân Việt

Sống chung với con dâu, mẹ chồng như “nhịn cơm sống”

Huy Phong 19/04/2017 07:15 GMT+7
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang gây bão mạng xã hội vì khắc họa hình ảnh bà mẹ chồng “quái dị”, nhưng trên thực tế, nhiều bà mẹ chồng thời hiện đại đang phải “nghiến răng” nhịn con dâu như nhịn cơm sống vì không muốn gia đình xáo trộn.

Hai vợ chồng bà Trần Thị Hòa (Hà Nội) đều là giáo viên, cả đời thanh bạch nên đến nghỉ hưu cũng chỉ có gia tài duy nhất là căn nhà 50m2. Vì thế, khi con trai lớn lấy vợ, bà không có cách nào khác là phải cùng chung sống với gia đình con trai trong một mái nhà. Bà ngại nhất việc va chạm, mâu thuẫn trong gia đình nên đã tận lực nhường nhịn con dâu, tránh mang tiếng “mẹ chồng ác”.

“Tôi cũng biết gia cảnh eo hẹp nên con dâu về, tôi cũng nể lắm, không dám khắt khe, yêu cầu nặng nhẹ gì. Việc cá nhân của hai vợ chồng, chúng tôi đều tận lực làm. Công việc nhà thì nặng nhọc nhất cần con dâu phối hợp cũng chỉ là bữa cơm tối. Đàn ông trong nhà sẽ rửa bát, phơi quần áo, lau nhà. Ấy nhưng chỉ có va chạm bằng đấy việc với con dâu thôi mà tôi đã cảm thấy quá mệt mỏi” – bà Hòa cho biết.

Bà Hòa cho biết, con dâu bà xuất thân từ quê, nhưng là con gái út nên bố mẹ không bắt làm việc nhà, việc đồng áng mà để con dồn sức học, hy vọng có thể thoát ly “chân lấm tay bùn”. Dù biết con dâu vụng dại nhưng bà Hòa không thể ngờ được, con dâu bà không biết nấu nồi cơm điện, gọt quả mướp trơ đến ruột trắng, nhặt rau muống thì dùng dao gốc, để nguyên cuộng già, lá héo. Để con dâu nấu cơm được vài bữa thì cả nhà đều choáng váng vì không mặn thì cháy, cơm như cháo mà canh lại khét lẹt, cá kho để nguyên cả vảy, còn thịt thể nào cũng thái miếng to tướng, ngoài chín trong sống. 

img

Không phải mẹ chồng nào cũng được con dâu lấy lòng (Ảnh minh họa) 

“Tôi cố gắng uốn nắn nhưng được vài lần, con dâu buông một câu: “Thời buổi này dành thời gian để kiếm tiền tốt hơn mẹ ạ. Nếu cần thì đi mua cơm bên ngoài vừa rẻ vừa tiện”. Đã rẻ thì làm sao ngon lành, đảm bảo vệ sinh. Vì thế, để cả nhà có thể nuốt được, tôi đành vào bếp. Chả lẽ nhà có 4 người lại ăn riêng?. Tôi chẳng mong con dâu phải khéo léo, đảm đang nhưng ít nhất cũng phải biết phục vụ, chăm sóc bản thân và gia đình”- bà Hòa lắc đầu ngao ngán.

Còn bà Lê Thị Đăng (Tuyên Quang) lên Hà Nội để trông cháu cho con. Gia đình vốn nghèo nên bà cũng không được tiếp xúc nhiều với lối sống thành phố, món ăn cũng không biết cách chế biến cầu kỳ. Bà nấu gì con dâu cũng chê bai và cáu kỉnh bảo: “Mẹ chỉ nên ngồi đợi ăn thôi”. Con dâu cũng suốt ngày “đá thúng đụng nia” với bà về việc bẩn thỉu, bừa bộn, đúng là người “ở núi tụt xuống”.

Hàng ngày, con dâu hàng ngày giao tiền ăn, dặn bà mua mấy lạng thịt, mấy con cá, mớ rau. Nhưng có hôm con dâu lại phàn nàn “Sao 50.000 cá mà lại được có mấy miếng”, “mớ rau 7.000 sao bé tẹo”, như thể bà bòn rút tiền vậy. Ngay cả món ăn cho cháu, con dâu bà cũng chuẩn bị sẵn, yêu cầu bà giờ này ăn cháo, giờ kia ăn hoa quả, giờ nọ uống sữa. Đến chiều về, con dâu bà lại kiểm tra xem bà có cho cháu ăn uống hết khẩu phần hay không. Có bữa, khi mẹ về cháu kêu đói, con dâu bà lại vặn vẹo: “Cả suất cháo và cốc sữa to thế còn đói, hay là không được ăn đủ”, khiến bà lúng búng: “Mẹ cho cháu ăn hết đấy chứ”.

Mấy hôm trước, bà ra cổng thấy hàng bánh đúc nên mua về hai bà cháu cùng ăn rất hào hứng. Nhưng con dâu bà về liền nổi giận đùng đùng, gom thẳng túi bánh đúc vào thùng rác rồi mắng con: “Mày có đói khát gì đâu mà ăn cái thứ bẩn thỉu ấy. Đúng là không thoát được gốc gác”. Đứa cháu khóc ầm ĩ còn bà khổ sở về phòng nằm.

“Tôi cũng biết mình văn hóa thấp nên hết sức nhún nhường con dâu. Đương nhiên những lúc con trai ở nhà thì con dâu tôi dù mặt mũi cũng không tươi tỉnh nhưng cũng không nói nặng. Khi chồng đi vắng thì lại phát tác, coi tôi chẳng ra gì. Tôi cũng biết, bao năm vất vả, đến giờ con tôi mới có chỗ ra chỗ vào, được hưởng an nhàn, hạnh phúc. Vì thế, tôi chẳng dám nói gì với con để cháu buồn, gia đình lại lục đục, tôi lại mang tiếng ác. Nhưng có lẽ tôi phải về quê sống thôi, xa con xa cháu nhưng mà đỡ đau lòng” – bà Đăng rơm rớm nước mắt.