Dân Việt

Báo động tự tử vì... buồn chán

Diệu Linh 16/04/2017 06:20 GMT+7
Khi người thân buồn bã, chán nản, mệt mỏi..., nhiều người thường coi nhẹ vì cho rằng đó chỉ là cảm xúc bất chợt, bình thường. Nhưng thực tế, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên của những vụ tự tử do trầm cảm...

Buồn chán - bỏ qua có thể... dẫn đến cái chết

img

Khám kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng tâm thần tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam.  Ảnh:  Anh Tuấn 

10 dấu hiệu của trầm cảm cần chú ý:
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
- Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 35 tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định, tự tử bằng cách uống tới 60 viên thuốc hạ huyết áp. Người con phát hiện mẹ trong tình trạng sốc, co giật. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp, khó thở, huyết áp tụt. Các bác sĩ đã phải vận hành 3-4 máy trợ tim mạch mới có thể “kéo” huyết áp lên cho bệnh nhân. Qua khai thác tiền sử bệnh, người nhà cho biết, trước đó chị này đã buồn chán, khóc lóc, tuy nhiên người nhà không cho đó là nghiêm trọng nên... bỏ qua.

Bác sĩ Hà Trung Hưng (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu bệnh nhân này nhận được sự chia sẻ, tâm tình của những người thân để “gỡ rối” những suy nghĩ tiêu cực, giúp thay đổi môi trường sống, nếp sinh hoạt hàng ngày để bệnh nhân vui vẻ, lạc quan lên thì đã tránh được vụ tự tử. Theo bác sĩ Hưng, Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận nhưng ca ngộ độc vì tự tử. Một số ca là do cãi cọ với người thân, bột phát tự tử, nhưng có nhiều ca bệnh nhân bị trầm cảm trong thời gian dài nhưng không được người nhà quan tâm thích đáng. Trong đó có nhiều thanh niên mới 20-30 tuổi nhưng ngộ độc quá nặng đã không cứu được. “Chỉ bớt thời gian trò chuyện, tâm tình thôi thì nhiều người đã tránh được nỗi đau mất người thân” – bác sĩ Hưng nhận định.

Viện Sức khoẻ Tâm thần T.Ư thời gian gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca trầm cảm đến mức muốn tự sát. Có cô gái 21 tuổi, vui tươi, khoẻ mạnh nhưng sau khi chia tay với người yêu đã rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài. Mỗi đêm, cô chỉ ngủ 3-4 tiếng, chán ăn, gầy yếu, hay khóc, buồn chán. Tuy nhiên người thân chỉ cho rằng cô buồn chán vì thất tình, một thời gian sẽ nguôi ngoai. Chỉ đến khi cô gái tâm sự với mẹ muốn chết thì gia đình mới lo lắng đưa cô đi điều trị.

TS –bác sĩ Dương Minh Tâm-Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khoẻ Tâm thần T.Ư) cho biết,  15 năm trước đây, mỗi ngày chỉ có 1-2 người đến khám bệnh lý tâm thần thì hiện nay đã lên đến 200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, trong đó có khoảng 50 người đến khám và nhập viện vì trầm cảm. Năm 2016, viện này đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30% lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tại viện), điều trị nội trú cho gần 450 bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân đã có ý nghĩ tự sát và đã tự sát không thành.

Dễ chẩn đoán nhầm bệnh khác

30% là ước tính dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần (trong đó tỉ lệ rối loạn trầm cảm chiếm 25%)

36.000-40.000 người Việt tự sát vì trầm cảm mỗi năm

(Theo PGS-TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần Bạch Mai) 

Theo bác sĩ Dương Minh Tâm, lứa tuổi thường bị trầm cảm nhất là 18-45, đặc biệt những người có xáo trộn về đời sống tình cảm thường dễ bị trầm cảm như thanh niên thất tình, người ly hôn, ly thân, sau đó đến những người thất nghiệp, áp lực công việc quá nặng nề, bị bệnh mãn tính lâu ngày…

“Áp lực cuộc sống gia tăng, các mối quan hệ lại co hẹp, giao tiếp ít đi khiến nhiều người “nuốt hận” trong lòng, tự gặm nhấm nỗi buồn, lâu ngày dẫn đến trầm cảm” – bác sĩ Tâm cho biết.

 PGS Phương cũng nhận định, nhiều người bị trầm cảm nhưng không phải ai cũng hiểu biết về trầm cảm để phòng tránh và giúp đỡ bệnh nhân. Thậm chí các bác sĩ cũng ít có kinh nghiệm để chẩn đoán về trầm cảm. Nhiều bệnh nhân trầm cảm gặp triệu chứng mỏi mệt, đau đớn mà vẫn không tìm ra bệnh hoặc điều trị mãi không khỏi.

Cụ thể như bệnh nhân Trần Thị B (47 tuổi, ở Vĩnh Phúc) vào Viện Sức khoẻ Tâm thần với các triệu chứng sụt cân, mất ngủ, đau đầu, đau dạ dày dữ dội, thậm chí đau “vu vơ” toàn thân, chán ăn. Trước đó, bà luôn cho rằng trong đầu mình có khối u lớn nên mới đau đớn thế nên hối thúc con đưa mình đi khám bệnh. Tuy nhiên, đi qua nhiều bệnh viện nhưng các xét nghiệm, chiếu chụp đều cho thấy bà B chỉ hơi loãng xương chứ chẳng có bệnh lý gì nghiêm trọng. Chỉ đến khi bà B tiếp tục gầy yếu, mất ngủ, có bác sĩ khuyên đi khám tâm thần thì mới ra bệnh trầm cảm.

GS-TS Trần Văn Cường - Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết, nhiều trường hợp biểu hiện với các triệu chứng hô hấp, xương khớp, đau dạ dày, đau đầu… qua hội chẩn nhiều lần mới tìm ra căn nguyên là rối loạn trầm cảm. Không ít phụ nữ tuổi 45-50 bị trầm cảm lại bị nhận định là “triệu chứng tiền mãn kinh hoặc mãn kinh” nên sức khoẻ và tâm lý bất ổn. Ước tính có khoảng 30% dân số mắc các rối loạn tâm thần (tức là cứ 10 người có 3 người có các dấu hiệu tâm thần), trong đó trầm cảm chiếm 25%.

Còn theo bác sĩ Tâm, triệu chứng trầm cảm thường trùng lặp với nhiều bệnh lý khác, khó nhận ra. 30 – 50% bệnh nhân không được phát hiện ở cơ sở y khoa. “Bệnh trầm cảm khiến sức khoẻ của bệnh nhân suy sụp, dẫn đến các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn khác như rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt, đau đầu, đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón, đau cơ, đau khớp, đau lưng, rối loạn tình dục… Do đó, các bệnh nhân thường đi khám bệnh lý dựa trên các triệu chứng này mà bỏ qua hoặc xem nhẹ các dấu hiệu tâm thần như buồn chán, mệt mỏi, mất hy vọng, giảm chú ý, giảm hứng thú, cảm giác muốn chết. Khi đi khám, bệnh nhân cũng thường kêu đau đớn chứ không kêu buồn chán nên các bác sĩ cũng dễ bỏ qua” – bác sĩ Tâm phân tích. 

Chỉ cần trò chuyện, tâm tình...

Khi phát hiện bạn bè, người thân có các dấu hiệu buồn chán, mệt mỏi, sụt cân, hay than thở muốn chết thì mọi người không nên coi nhẹ. Chỉ cần trò chuyện, tâm tình với họ để tìm hiểu những “nút thắt” trong suy nghĩ của họ để cởi gỡ. Đồng thời nên đưa họ ra khỏi thói quen hàng ngày của họ, đưa họ ra ngoài dạo chơi, xả stress… Nếu tình trạng không đỡ thì nên đưa bệnh nhân đi khám và điều trị đúng chuyên khoa.

Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư I

Người thành đạt cũng dễ bị trầm cảm
Phụ nữ có nguy cơ trầm cảm gấp đôi nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ có nhiều giai đoạn thay đổi hormone trong cơ thể làm tăng nguy cơ trầm cảm như ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao trầm cảm thường là người sống cô độc, người ly thân, ly hôn, người già, người mắc bệnh mãn tính lâu ngày hoặc thất nghiệp, áp lực thi cử, thành đạt; người gặp tai nạn hoặc vừa mất người thân...

TS-BS Dương Minh Tâm