Dân Việt

Giải đáp thắc mắc về cách tính lương hưu nghỉ trước năm 2018

Thùy Anh (ghi) 16/04/2017 09:31 GMT+7
Tuần qua, Báo điện tử Dân Việt nhận được nhiều câu hỏi của nhiều bạn đọc thắc mắc về cách tính lương hưu. Phần lớn các câu hỏi thắc mắc về cách tính lương hưu nếu nghỉ hưu từ trước ngày 1.1.2018 tới sau 1.1.2018 thì sẽ có khác biệt gì. Chuyên gia BHXH hướng dẫn cách tính cụ thể như sau:

Tôi sinh năm 1967, tham gia BHXH từ tháng 2.1988. Khi đã đóng BHXH đủ 30 năm vào tháng 2.2018 tôi không đóng nữa thì có ảnh hưởng gì đến mức lương hưu của tôi so với việc tiếp tục đóng BHXH cho đến khi tôi nghỉ hưu vào ngày 1.1.2023?.

(Bạn đọc Hồ Mỹ Liên, Quốc Oai, Hà Nội)

img

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trả lời: 

Theo khoản 1, Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nghỉ hưu trước ngày 1.12018 sẽ được tính như sau:

“Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóngBHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%”.

Do đó, nếu bác xin về hưu trước ngày 1.1.2018, lương hưu của bác sẽ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH. Cứ thêm mỗi năm đóng BHXH bác được cộng thêm 3%. Còn nếu bác về hưu sau ngày 1.1.2018 thì bác chỉ được cộng thêm 2% cho mỗi năm đóng BHXH. 

Tuy nhiên, do bác năm nay mới 50 tuổi, còn 5 năm nữa mới đủ tuổi về hưu. Do vậy, nếu giờ bác ngừng đóng BHXH tức là bác phải xin về hưu sớm 5 năm. Theo khoản 3 điều 56 của Luật BHXH quy định về người về hưu trước tuổi như sau: “Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi”.

Như vậy, theo khoản trên thì cứ mỗi năm về sớm (trước tuổi) thì bác sẽ bị giảm trừ 2%. Bác về hưu sớm 5 năm sẽ bị giảm trừ 10% lương hưu và như vậy, bác sẽ chỉ nhận được mức lương hưu bằng 65% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH mà không thể nhận được mức lương hưu tối đa là 75%. Như vậy, bác nên tiếp tục làm việc và đóng đủ BHXH để về hưu được hưởng mức lương hưu tối đa.

Tôi nghỉ hưu vào tháng 6.2018 thì sẽ được hưởng lương như thế nào?. Tôi là giáo viên nữ đến khi về hưu là được 32 năm đóng BHXH?

(Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Dung, Hà Nội) 

Trả lời: 

Theo như thông tin của bác, đến năm 2018 bác về hưu (đủ 55 tuổi), thời điểm đó văn bản có hiệu lực là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, Khoản 2 Điều 56 của Luật này đã quy định về mức lương hưu của bác được hưởng như sau:

“Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%”.

Như vậy, đến năm 2018 bác đã đóng bảo hiểm 32 năm thì mức lương hưu hàng tháng của bác được tính như sau:

15 năm đóng BHXH: 45% mức bình quân tiền lương

17 năm đóng BHXH còn lại : 17 x 2% = 34% mức bình quân tiền lương

Tổng: 45% + 34 % = 79%, nhưng theo quy định Luật không được vượt quá 75%.

Vậy hằng tháng bác sẽ được hưởng 75% mức bình quân tiền lương bác đã đóng BHXH trong 5 năm cuối.

Điều 62, Luật BHXH năm 2014 cũng quy định mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu. Theo đó, những lao động tham gia BHXH trước ngày 1.1.1995 thì sẽ được tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.