Hình thành nhiều chuỗi sản xuất hàng hóa
Báo cáo về Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2010-2016, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối (VPĐP) NTM T.Ư khẳng định: “NTM là chương trình lớn, sâu rộng, liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, anh ninh, văn hóa… Điều này được chứng minh cụ thể từ 16 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nay Chính phủ gom lại còn 2 chương trình MTQG là xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm quan khu hành chính và đường làng sạch sẽ, rợp bóng cây xanh ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: H.A
Sẽ huy động thêm khoảng 223.000 tỷ đồng Dự kiến năm 2017, cả nước huy động được khoảng 222.951 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình NTM (ngân sách T.Ư bố trí khoảng 8.000 tỷ đồng). Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. |
Cũng theo ông Tiến, năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 2 chương trình MTQG xây dựng NTM, vì vậy các bộ ngành, địa phương tập trung vào hoàn thiện khuôn khổ, cơ chế, chính sách, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp trong đó có hệ thống VPĐP NTM các cấp. Trong bối cảnh đó, tiến độ NTM đầu năm 2016 có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1600, Chương trình xây dựng NTM tiếp tục khởi sắc và có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, các địa phương cần có sự nỗ lực mạnh mẽ hơn và giải pháp hiệu quả để về đích.
Theo báo cáo, tính hết quý I năm nay, cả nước đã có 2.656 xã (29,76%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 263 xã (3,3%) so với cuối năm 2016 và tăng thêm 1.124 (12,6%) so với cuối năm 2015. Đặc biệt, đến thời điểm này, cả nước có 33 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 3 huyện so với cuối năm 2016 và tăng 18 huyện so với cuối năm 2015). Đến nay, Chương trình NTM đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu
Xác định phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bên vững cho người dân nông thôn, nhiều VPĐP cấp tỉnh đã tham mưu chỉ đạo thành công các mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, bước đầu đã đem lại hiệu quả như: NTM gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao; mô hình NTM gắn với du lịch sinh thái.
Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Để được đánh giá là tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hơn 6 năm qua, Hà Tĩnh luôn xác định cốt lõi xây dựng NTM là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2012, tỉnh đã quy hoạch xây dựng sản phẩm chủ lực, sau đó khi Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM thì Hà Tĩnh bắt đầu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 yếu tố cần gồm: Doanh nghiệp, khoa học công nghệ và HTX, tổ hợp tác”.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ ngay
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan khu dân cư mẫu, vườn mẫu thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: H.A
Mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc đến hết năm 2017: Cả nước có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn (tăng 5% so với năm 2016). Có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn (tăng thêm ít nhất 8 huyện được công nhận đạt chuẩn trong năm 2017). Số tiêu chí bình quân /xã cả nước tăng thêm tối thiểu 1 tiêu chí/xã so với năm 2016; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 150 xã. |
Theo ông Phạm Văn Chiến- Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu (Nam Định), mặc dù Chương trình xây dựng NTM được triển khai từ 6-7 năm nay, nhưng nhận thức của người dân về chương trình còn nhiều hạn chế. “Chúng tôi đã phải cử cán bộ đi xuống từng hộ dân, sống cùng dân để phân tích những cái lợi mà nhân dân được hưởng khi xây dựng NTM. Để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới Chính phủ cần hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ quy hoạch và di dời các làng nghề”- ông Chiến nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, mặc dù toàn tỉnh đã có 113/133 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, nhưng tỉnh Đồng Nai đã chủ trương không dừng lại ở các tiêu chí đạt được, đó chỉ mới là bước khởi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. “Vấn đề quan trọng hơn là phải tiếp tục nâng cao chất lượng các xã, các huyện NTM trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng và ban hành “bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao” nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu “4 tốt hơn”- ông Vinh nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình MTQG cho biết: Chương trình NTM chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2010 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020. Đây là chương trình kinh tế, chính trị, xã hội tổng hợp diễn ra trên 9.000 xã, gần 700 huyện của 63 tỉnh, thành của nông thôn Việt Nam. Giai đoạn 1, mục tiêu của chương trình là 20% số xã phải đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí NTM.
“Trong thời gian ngắn, bối cảnh nguồn lực ngân sách hữu hạn, nhưng do làm trúng, làm đúng, chúng ta tổng huy động được một nguồn lực gần 900.000 tỷ đồng, tức mỗi năm xấp xỉ 10 tỷ USD cho lĩnh vực này trong bối cảnh ngân sách của nhà nước từ T.Ư đến địa phương chỉ có 11% là một thành công rất lớn. Vì vậy, chúng ta đã hoàn thiện các thiết chế hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất đời sống của dân; hơn 20.000 mô hình khắp các vùng miền”- ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn tới (2016-2020), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nêu lên một số thực trạng bất cập cần tháo gỡ, đó là: Khoảng cách vùng - miền ngày càng giãn rộng; đến nay bộ tiêu chí gồm 19 nhóm tiêu chí đưa ra nhưng áp dụng vào nhiều vùng không phù hợp, đặc biệt là nhóm tiêu chế cứng: Đường, trường, trạm, chợ...; công tác chỉ đạo đến phân bổ nguồn lực đang tập trung nhiều vào cơ chế hạ tầng mà chưa chú trọng đổi mới sản xuất, thay đổi tư duy, môi trường sống, môi tường sản xuất; một số nơi chạy theo tiến độ dẫn đến nợ tăng...
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần: Tiếp tục triển khai một số mô hình sản xuất cụ thể theo hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; liên kết theo chuỗi giá trị; mô hình mỗi xã một sản phẩm...; huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình NTM. Đặc biệt, phải giải quyết dứt điểm vấn đề nợ đọng trong xây dựng NTM của giai đoạn tới.