Những ngày qua, dư luận mà đặc biệt là những người yêu bóng chuyền tỏ ra rất bức xúc trước quyết định cấm VĐV Lê Quang Khánh thi đấu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Long An. Theo đó, do tuyển thủ của ĐT bóng chuyền nam Việt Nam này xin ra đi, đồng thời nhiều ngày không đến trung tâm tập luyện, phía Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Long An đã đưa ra thông báo cấm thi đấu toàn diện với VĐV do mình quản lý, đồng thời được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An chấp thuận.
VĐV bóng chuyền Lê Quang Khánh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM thì quyết định cấm thi đấu của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Long An đối với trường hợp của Lê Quang Khánh là hoàn toàn trái luật: “Các điều khoản này không đúng luật vì đi ngược nguyên tắc hợp đồng lao động là phải tự nguyện thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động về việc làm có trả công. Nguyên tắc của pháp luật trong trường hợp bên mạnh thế (trường hợp này là bên sử dụng lao động) đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi cho bên yếu thế (người lao động) thì khi giải thích các giao dịch này phải giải thích theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Nếu các VĐV yêu cầu pháp luật can thiệp thì những điều khoản này hoàn toàn có thể bị hủy”.
Được biết, một trong những lý do chính khiến Lê Quang Khánh quyết định rời Long An, nơi đã vun trồng lên tài năng của anh, là do quá chán nản với mức thu nhập bèo bọt. “Thực sự tôi đã cố gắng hết sức, tôi cũng rất muốn gắn bó với bóng chuyền Long An nhưng không thể cố thêm được nữa. Trước mỗi giải đấu, lần nào lãnh đạo cũng hứa sau giải sẽ có nhà tài trợ. Nhưng anh em chúng tôi chờ hoài, chờ mãi, năm này qua năm khác nhưng rốt cuộc đâu rồi lại đó. Năm nay tôi đã 29 tuổi, lại dính chấn thương gối, chắc cũng chỉ cố cày thêm được 2-3 mùa giải nữa rồi giải nghệ. Giờ cũng có gia đình, sắp làm cha của hai con, tôi cũng phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đi đến quyết định này”, chủ công Lê Quang Khánh chia sẻ.
Cách đây 2 năm, tờ Tuổi Trẻ từng làm bài điều tra về mức thu nhập của một số VĐV trong làng thể thao Việt Nam, trong đó có các VĐV bóng chuyền tên tuổi, được triệu tập vào ĐTQG như Lê Quang Khánh. Thời điểm ấy, mỗi tháng Lê Quang Khánh chỉ được nhận không quá 2,3 triệu đồng tiền lương từ CLB Long An.
“Là một trong những VĐV may mắn đã được biên chế nên lương tôi còn cao hơn một số đồng đội trong CLB. Mỗi tháng tôi được hưởng lương theo bậc quy định của Nhà nước, trung bình 2,2-2,3 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại chứ không đủ chi tiêu. Mang tiếng là VĐV dự ba kỳ SEA Games nhưng tôi vẫn phải xin tiền cha mẹ”, Quang Khánh giãi bày.
Lê Quang Khánh sinh năm 1988, đi lên từ đội bóng chuyền năng khiếu Long An khi mới 16 tuổi. Năm 20 tuổi anh lần đầu tiên có mặt trong đội bóng chuyền Long An dự Giải VĐQG 2008. Từ đó đến nay, Quang Khánh đã ba lần được triệu tập vào đội tuyển bóng chuyền nam tham dự bốn kỳ SEA Games liên tiếp. Tài năng, lối sống chuyên nghiệp nên Quang Khánh được nhiều CLB bóng chuyền danh tiếng tại Việt Nam để ý, trong đó có Maseco TP HCM. Tuy nhiên, vì cái ơn với bóng chuyền Long An nên anh nhiều lần từ chối lời mời.
Chỉ đến khi không thể chịu đựng cảnh khó khăn thêm nữa, buộc phải tính đường dài cho tương lai và cả lo cho gia đình nhỏ của mình, Lê Quang Khánh mới gạt nước mắt xin ra đi. Thế nhưng, anh đã không được như ý khi lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Long An quyết định ngăn cản, thậm chí trừng phạt bằng cách cấm thi đấu toàn diện.