Dân Việt

Giật mình nhận định “ly hôn làm gia tăng xâm hại tình dục trẻ em”

Diệu Linh 18/04/2017 07:09 GMT+7
Đây là nỗi lo lắng của bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số. Chia sẻ ngày 17.4, bà Tú Anh cho rằng, nhận định như vậy làm gia tăng định kiến với người ly hôn, đồng thời lại “gỡ tội” cho kẻ thủ ác.

Trước đó, theo tin báo chí đưa, tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại Đà Nẵng, chuyên đề Xâm hại tình dục trẻ em, một đại biểu đã nhận định, ly hôn hiện nay cũng đang là nguyên nhân làm gia tăng mối nguy hại đối với trẻ em khi hạnh phúc gia đình bị rạn nứt, trẻ thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, không được giáo dục đầy đủ.

“Việc một vị chức sắc lại cho rằng “ly hôn khiến trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ, không được giáo dục đầy đủ” và là nguyên nhân làm gia tăng mối nguy hại về xâm hại tình dục cho trẻ là rất thiếu nhạy cảm, rất “lạc đề”, thậm chí khoét sâu nhiều định kiến cho người ly hôn, đặc biệt là phụ nữ” – bà Hoàng Tú Anh nhận định.

Theo bà Tú Anh, cho dù hiện nay, Luật pháp cũng như nhận thức của mọi người cũng cởi mở, tiến bộ hơn, nhưng ly hôn vẫn là lựa chọn khó khăn, nhất là phụ nữ. Thậm chí, trong nhiều hoàn cảnh, phụ nữ không được lựa chọn. Họ chấp nhận chịu đựng người chồng bạo lực, ngoại tình chỉ vì để “được tiếng” là phụ nữ có chồng, con có bố. Nhiều phụ nữ rất sợ nếu họ ly hôn thì con cái họ sẽ bị đánh giá là “nhà không nóc”, “con không được dạy dỗ đầy đủ”. Họ sợ con gái của họ sẽ không lấy được chồng vì có mẹ ly hôn. Vì trong mắt nhiều người, ly hôn là do phụ nữ không biết cách giữ gìn, chăm sóc gia đình, lăng nhăng, phù phiếm nên mới bị “chồng bỏ”. Còn đứa con có bố mẹ ly hôn thì bị đánh giá là không nhận được sự giáo dục, chăm sóc đầy đủ của bố mẹ nên thường hư hỏng hoặc ngu ngơ.

img

Đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục thiếu hiểu biết là "gỡ tội" cho kẻ thủ ác.

“Nếu một đứa trẻ phải sống trong cảnh bố mẹ đánh chửi nhau thì sẽ tổn thương hơn nếu như hai bố mẹ chia tay nhau trong bình tĩnh. Cũng không có bằng chứng gì trong việc, trẻ có bố hay mẹ ly hôn lại không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Không lý gì hai người không yêu nhau lại miễn cưỡng chấp nhận cuộc sống chung đầy bất hạnh, dối lừa “chỉ vì con”" – bà Tú Anh chia sẻ.

Bà Tú Anh kể, trong quá trình làm việc về bạo lực giới, bà đã gặp nhiều phụ nữ có cuộc sống tốt hơn sau khi ly hôn. Trải qua mất mát, họ trân trọng hơn những gì mình có và dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho con và bản thân. "Tôi cũng biết nhiều người mẹ trò chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn khi họ ra khỏi cuộc hôn nhân đau khổ. Mối quan hệ của họ với con không chỉ là “mẹ con” mà còn là sự gắn bó tôn trọng, bình đẳng giữa những người bạn tâm giao. Vì bản thân đã chịu nhiều tổn thương nên họ cũng lường trước được nhiều nguy cơ, chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân…"

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam GBVNet, nguy cơ các vụ xâm hại tình dục trẻ em gia tăng là do hiện nay chúng ta có quá nhiều định kiến và coi nhẹ tội phạm này. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em dù đã có bằng chứng rõ ràng, kẻ thủ ác đã nhận tội nhưng lại được xử lý theo cách “hòa giải”, trong khi ở các nước khác, tội phạm này sẽ bị xử lý hình sự, dù nạn nhân có tố cáo hay không.

Ngoài ra, quy trình tố tụng ở nhiều nơi còn có kẽ hở và thiếu nhạy cảm, gây thêm tổn thương cho nạn nhân và gia đình. Điều này khiến nhiều người đã “giấu nhẹm” việc mình hoặc con cái mình bị xâm hại tình dục vì sợ bị “ném đá”. Không ít cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho nạn nhân là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực.

“Giống như việc nạn nhân có thể bị đổ tội là “thiếu giáo dục do bố mẹ ly hôn” – bà Tú Anh cho biết.

Những rảo cản về thể chế như vậy, trong bối cảnh một nền văn hóa coi tình dục là điều không đáng bàn và đổ lỗi cho nạn nhân của bạo lực tình dục càng khiến cho vấn nạn này không những giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp. 

“Như vậy, nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em đến từ sự dung túng của pháp luật với các hành vi bạo lực và xâm hại tình dục; sự không có kiến thức và sự bàng quang không chịu lắng nghe con trẻ của người lớn nói chung. Đừng đổ lỗi cho ly hôn, quy chụp tội “thiếu giáo dục” cho trẻ khiến cho tội phạm tình dục lại lần nữa được “gỡ tội”- bà Tú Anh nói.