Dân Việt

Tàu cá “mắc cạn” do chờ... bảo hiểm

Trần Thế 18/04/2017 17:00 GMT+7
Vướng mắc do bảo hiểm theo Nghị định 67, một số tàu cá ở Bà Rịa – Vũng Tàu, hoặc phải nằm bờ, hoặc ra khơi với bảo hiểm thường, khiến nhiều chủ ghe đã khó càng khó hơn.

Tổn thất nặng nề!

Hơn nửa năm hạ thủy, chiếc tàu hậu cần nghề cá vỏ thép đóng theo chính sách phát triển thủy sản quy định tại Nghị định (NĐ 67) của ông Chân Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) vẫn phải nằm bờ. Lý do, theo ông Nhỏ, việc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá xa bờ theo quy định tại NĐ 67 đang tạm dừng!

Hiện, chiếc tàu cá này nằm tại cảng Nhà máy Đóng tàu Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định). Theo ông Nhỏ, tàu được đóng mới theo chính sách vay vốn ưu đãi quy định tại NĐ 67 . Tàu dài 52m, rộng 11,8m, công suất máy 1.646 CV. Sau khi được Ngân hàng NNPTNT Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho vay hơn 33 tỷ đồng, ông Nhỏ đã ký hợp đồng đóng tàu với Nhà máy Đóng tàu Thịnh Long.

img

    Để ngư dân bám biển và hạn chế rủi ro, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. (ảnh minh họa)   ảnh: T.Đ

Để hoàn tất thủ tục cho tàu vươn khơi, ông Nhỏ mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên tại Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu (đơn vị được chỉ định thực hiện bảo hiểm theo NĐ 67 của tỉnh). Thế nhưng, khi nghe ông đặt vấn đề mua bảo hiểm, đại diện công ty này cho biết bảo hiểm đã tạm dừng, chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. “Nếu mua bảo hiểm được hỗ trợ theo NĐ 67 chỉ mất 30 triệu đồng, còn mua gói thông thường phải mất  300 triệu đồng” - ông Nhỏ nói.

Chưa hết, nếu không mua được bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ, ngân hàng sẽ không giải ngân 4 tỷ đồng còn lại của ông Nhỏ, và nhà máy đóng tàu sẽ không bàn giao tàu cho ông. “Tàu nằm bờ, nhưng tôi vẫn phải trả nợ vay ngân hàng cũng như trả lương cho hơn chục lao động chuẩn bị đi biển” - ông Nhỏ cho biết.

Trong khi đó, là chủ của 12 chiếc tàu, nhưng ông Võ Văn Nhơn (phường 5, TP.Vũng Tàu) chỉ mua bảo hiểm theo chính sách NĐ 67 cho 2 chiếc tàu mới đóng, số còn lại vẫn mua bảo hiểm thường. Theo ông Nhơn, đó là do ông không muốn tham gia vì mức chi bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc khấu trừ theo tuổi tàu. Tức là, tuổi tàu càng cao thì mức bồi thường càng giảm, thậm chí không bồi thường. “Mặc dù một số tàu vỏ đã cũ, nhưng mỗi năm tôi đều tu bổ máy móc, thay máy mới và sửa chữa vỏ tàu nhằm bảo đảm hoạt động, tức giá trị con tàu luôn được bồi đắp hàng năm. Cho nên, việc tính giá trị bảo hiểm khấu trừ theo tuổi tàu là chưa hợp lý” - ông Nhơn cho biết.

Theo một lãnh đạo Sở NNPTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, việc tàu nằm bờ ngày nào thì khó khăn cho ngư dân ngày đó và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Chờ tháo gỡ…

Theo NĐ 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác, tàu dịch vụ hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên (điều kiện phải là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá). Cụ thể: Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ 70 - 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tỉnh có hơn 300 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với gần 1.900 tàu cá. Vẫn còn hơn 300 tàu cá được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo NĐ 67 chưa tham gia tổ đội do e ngại thủ tục thanh toán bảo hiểm rườm rà và thuyền viên trên tàu cá hầu hết đều là lao động tự do, không có hợp đồng lao động.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số tàu đóng mới theo NĐ 67 đang phải nằm bờ vì chưa mua được bảo hiểm theo NĐ 67. Nguyên nhân là do từ cuối 2016, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã có công văn gửi đến Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu và các tỉnh đề nghị ngừng cấp bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 và việc triển khai tiếp theo phải chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện NĐ 67 thêm 1 năm  (tức đến hết năm 2017), chỉ còn chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Sở NNPTNT tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ tìm cách tháo gỡ những khó khăn tham gia bảo hiểm của các chủ tàu, đồng thời quy định tất cả các loại tàu thuyền trên 90 CV đều phải mua bảo hiểm thân, vỏ tàu và thuyền viên làm việc trên tàu đều phải mua bảo hiểm rủi ro.

 Tại Nghị quyết 113 ngày 31.12.2016 Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.2016, Chính phủ đã thống nhất kéo dài thời gian thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014 đến hết ngày 31.12.2017. Mặc dù đã được gia hạn 1 năm nhưng để những chính sách hỗ trợ ngư dân tiếp tục được triển khai phải đợi Chính phủ ban hành khung pháp lý mới. /.