Dù làm nghề lâu năm nhưng không phải muốn vẽ cái gì là vẽ được ngay. Nghề vẽ cũng như muôn vàn nghề khác, muốn vẽ thì phải có tư liệu chính xác. Tất cả nhưng tư liệu ấy thưởng được ghi chép bằng ký họa vào sổ tay khi ít thời gian, hoặc trên cặp giấy to khi thời gian rủng rỉnh. Bây giờ có máy ảnh kỹ thuật số rồi nó đỡ tay cho mình hàng trăm lần, nhanh lên mà lại chính xác cao.
Bở vậy đi đâu tôi cũng để trong túi cái máy du lịch “bánh mì”, để có gì bắt gặp bất ngờ thì chụp luôn làm tư liệu.
Sáng nay đi trên phố, thấy 3 anh công an đứng cạnh chiếc xe tải và một chiếc xe mô tô có in dòng chữ xanh ở thân “Cảnh sát giao thông”, phía đầu xe treo chiếc dùi cui. Họ đang nói chuyện vãn. Tư liệu này chưa có, tôi giơ máy lên định ghi hình. Ngay tức tốc, như có mắt sau gáy, một cảnh sát quay lại trừng mắt, trống không “Chụp gì?”. Tôi trả lời: Chụp cái mô tô... Không kịp cho tôi nói tiếp, anh công an quắc mắt: “Ai cho chụp, lai phây bốc phây biếc hả. Cấm!”.
À, ra thế! Tôi lặng lẽ cất máy. Viên công an này nhỏ tuổi hơn cả con tôi nhưng thái độ thì thật xấc. Hai chiếc xe bên đường, không có ai xung quanh và không có chuyện đang làm nhiệm vụ trật tự, nên tôi chụp ảnh thì không có gì để có thể nói xấu xuyên tạc.
Thì ra các anh ấy cảnh giác với tất cả hành vi người dân.
Trước đây vài chục năm, người cảnh sát bên đường được người qua đường chụp ảnh còn vẫy tay nhoẻn miệng cười thân thiện. Tôi ra nước ngoài còn chụp ảnh chung với cảnh sát giao thông và họ vui vẻ với tôi như người bạn quen từ lâu. Vậy mà người cảnh sát tôi tin tưởng, quý mến một thời, giờ bỗng thành ra thế này? Giờ sao cảnh sát nhìn dân phải đề phòng như đề phòng kẻ địch? Lỗi ở các anh hay lỗi ở người dân?
Đỗ Đức