Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT đến tối 18.4, cả nước đã có 804.331 TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó, số TS đăng ký xét tuyển vào ĐH CĐ là 601.477. Điều đáng nói, tỷ lệ TS chọn các môn xã hội (Sử, Địa, Công dân) năm nay áp đảo 396.052 (49,24%) và 305.707 TS đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) chiếm (38.01%)
Bất ngờ hơn cả, môn thi được TS lựa chọn nhiều nhất lại chính là môn Sử, thông tin trước đó cho thấy, môn này có số TS đăng ký trên 350.000 TS, tiếp đó là môn Địa lý trên 347.000 TS và Giáo dục công dân, sau đó mới lần lượt đến các môn Hóa, Lý, Sinh.
So với các năm trước, môn Sử luôn bị xếp cuối cùng với số lượng TS rất “èo ọt”, chủ yếu những học sinh chọn thi môn này đều là các em học khối C và dùng khối thi này để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Hiện tượng các hội đồng thi “trắng” thí sinh thi Sử cũng phổ biến ở nhiều mùa tuyển sinh. Cá biệt, năm 2013, đã xảy ra hiện tượng học sinh xé đề cương môn Sử tung trắng xóa sân trường để “ăn mừng” thi tốt nghiệp không có môn Sử?
Hình ảnh học sinh xé đề cương Sử tung trắng sân trường gây phản cảm vào năm 2013 (Ảnh: IT)
Lý giải sự đột biến này, thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết ông không hề bất ngờ về điều này. Theo thầy Hiếu có nhiều lý do khiến môn Sử bỗng nhiên được lựa chọn, trong đó có việc Bộ GD-ĐT thay đổi quy chế thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH,CĐ.
Thứ nhất, môn Sử nằm trong tổ hợp môn của bài thi KHXH nên nó được “ăn theo” khi thí sinh buộc phải chọn 1 trong 2 tổ hợp thi để lấy kết quả xét tuyển: “Giả sử bài thi này không có môn Sử chắc chắn thí sinh sẽ không chọn môn Sử nhiều như vậy” – thầy Hiếu khẳng định.
Thứ 2, kết quả này chỉ mới thay đổi cách đây vài tuần sau khi các trường ở địa phương hoàn thành việc thi thử THPT quốc gia cho học sinh.
“Trước đó khi mới có phương án thi, khảo sát thí sinh đăng ký môn thi ở các trường đều cho thấy học sinh chọn bài thi KHTN nhiều hơn bài thi KHXH. Tuy nhiên, sau khi thi thử, học sinh mới “vỡ lẽ” ra rằng làm bài thi KHXH dễ ăn điểm hơn bài thi KHTN. Chính điều này khiến các em thay đổi môn thi khi làm hồ sơ” – thầy Hiếu phân tích.
Tương tự, cô giáo Nguyễn Thu Hương – giáo viên Sử tại TP.Thái Bình cũng cho rằng, nhiều năm qua môn Sử bị coi là môn “khó nhằn” kiến thức nhiều, số liệu lắm. “Năm nay Sử thi trắc nghiệm, các em chỉ cần hiểu bài, biết phân tích logic là có thể chọn được đáp án đúng và tránh được điểm liệt, dễ hơn các môn học khác” – cô Hương nói.
Tuy nhiên, các giáo viên đều cho rằng, lượng TS chọn môn Sử tăng đột biến không hề đáng mừng mà đáng lo nhiều hơn.
Theo thầy Hiếu, mọi năm, chỉ có học sinh thi khối C, yêu môn Sử thực sự mới chọn Sử, năm nay thì không, môn Sử được chọn nhiều bởi các TS ban tự nhiên: “Điều này thể hiện tư tưởng học và thi rất... thực dụng. Trước đây các em học gì thi nấy thì giờ là thi như thế nào sẽ học thế ấy. Chọn sử chỉ để thi thì ngay sau khi ra khỏi phòng thi kiến thức sẽ bỏ lại hết. Đó là điều thực sự rất bất ổn” – thầy Hiếu nói.
Cô Hương thì cho rằng, thí sinh chọn thi Sử chủ yếu để “an toàn”, vì vậy không có nghĩa là chọn thi Sử nhiều là thích Sử, là học Sử đoàng hoàng và cũng không có nghĩa là chất lượng dạy và học môn Sử sẽ được cải thiện.