Ông François Godement, giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định về tình hình leo thang quân sự tại bán đảo Triều Tiên rằng, trong lúc phương Tây liên tục chỉ trích hay chế nhạo ông Trump, và có thể là đánh giá thấp chính quyền Trump, thì Trung Quốc lại có cái nhìn thận trọng. Bắc Kinh coi đây là chuyện nghiêm túc, nên đã tạm thời dừng tay nghe ngóng động tĩnh và không hành động thái quá.
Từ khi tổng thống Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi không còn trông cậy vào các ông để giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng tôi sẽ tự mình hành động", Bắc Kinh lo sợ sẽ bị cho đứng ngoài lề trong hố sơ này. Do không biết được ông Trump thực sự kiên quyết hay chỉ tung hỏa mù, trong hoang mang, Bắc Kinh đành phải cảnh giác, ông Godement nhận định.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 18.4 cho rằng phải sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, nơi Bình Nhưỡng cam kết tiếp tục các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình bất chấp những biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ). Phát biểu họp báo tại thủ đô Bắc Kinh, ông Vương Nghị hối thúc tất cả các bên tìm ra một giải pháp hòa bình cho những căng thẳng nêu trên.
Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản ngày 18.4 cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng Mỹ Mike Pence, ông Pence và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe nhất trí rằng hai nước cần thuyết phục Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Hiện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang nghiêm trọng. Trong những tháng gần đây, Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ, trong khi đang có những quan ngại rằng quốc gia biệt lập này có thể sớm tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Trước đó, giới quan sát cũng cho rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm thử hạt nhân trong khoảng thời gian 10 ngày tới, nhiều khả năng là ngày kỷ niệm thành lập quân đội Triều Tiên 25.4.