Dân Việt

Đi chợ giữa biển Hoàng Sa (Kỳ 2): Những màn phô diễn công nghệ

Gia Tưởng 19/04/2017 13:30 GMT+7
Đã gắn bó với ngư dân cả chục năm nay, tôi phát hiện được rằng, ngày nay ngoài những kinh nghiệm nhìn trời, nhìn nước để bủa lưới giăng câu, việc đưa máy móc, thiết bị hiện đại, cùng với nâng công suất tàu cá xa bờ giúp ngư dân đỡ vất vả hơn và cũng an toàn hơn khi lênh đênh trên biển.

Hợp tác thắp đèn

Tàu hậu cần ĐNa 90444 của chúng tôi chạy liên tục hai ngày một đêm thì ra tới ngư trường, tính ra quãng đường phải vượt cũng hơn trăm hải lý. Tôi bị những cơn sóng hành mất một ngày, không ăn không ngủ được, đầu đau như búa bổ, nhưng vẫn thấy mình khá hơn người bạn đồng hành là Nguyễn Văn Huy (24 tuổi). Huy kể: "Em làm đầu bếp, phụ trách món Âu ở một khách sạn tại Đà Nẵng, nhưng vô cùng ham mê câu cá". Huy quen anh Sang - chủ tàu nên xin đi một một chuyến để khám phá nghề câu cá đại dương. Từ khi tàu chạy, Huy chỉ dậy ăn được một bữa cơm, còn nằm nguyên một chỗ vì say sóng, thỉnh thoảng anh em phải vào lay gọi xem sức khỏe của Huy ra sao. Đôi lúc mới thấy Huy ngóc đầu dậy uống nước, vừa uống vừa thều thào: "Em say đủ thứ rồi, nhưng chưa bao giờ thấy khủng khiếp như say sóng thế này".

img

Công nghệ thắp đèn nhử cá vào lưới của ngư dân trên biển Hoàng Sa.  Ảnh: G.T

Đến đêm thứ 2 trên biển, bắt đầu có lệnh hạ dòm, thả neo của thuyền trưởng Lê Văn Tý. Từ trên cabin anh nói vọng xuống: “Tới nơi rồi, cả nhà dậy chuẩn bị làm việc đi!”. Cả 8 người trên tàu chẳng ai bảo ai, mỗi người vào một việc. Máy phát điện được khởi động, 2 dàn đèn cao áp với 60 bóng 2.000W bật sáng, khiến cho một vùng biển tối có một điểm sáng hơn cả ban ngày.

Đã nhiều lần đi theo ngư dân nhưng tôi vẫn thắc mắc và hỏi anh Tý: Tàu mình không thả lưới vậy thắp đèn làm gì? Anh Tý cười tít mắt nói: “Tàu mình không đánh cá nhưng phải thắp đèn để cho tàu bạn đánh cá”. Chỉ tay về hướng Nam cách đó chừng 3 hải lý cũng thấy một điểm sáng rực như tàu mình, anh Tý nói: “Theo nguyên tắc, tàu thắp đèn dụ cá như thế này, tàu bạn phải chia cho 30% số cá đánh được, nhưng tàu mình chỉ thắp đèn không công, đợi tàu bạn đánh được bao nhiêu thì xin mua hết của họ".

img

Thuyền trưởng Mai Đức Huy nói về con tàu hiện đại của mình. Ảnh: G.T

Chúng tôi chập chờn ngủ đến 3 giờ sáng thì nghe từ máy Icom của tàu bạn gọi, bảo chuẩn bị tắt đèn đi. Nhìn sang tàu bạn, một chiếc thuyền thúng được hạ xuống, trong đó có một chiếc máy phát điện, kéo theo một chiếc bè thắp điện sáng trưng. Tàu hậu cần chúng tôi ở bên này tắt dàn đèn cao áp. Anh Nhật - một thành viên trên tàu giải thích: "Cả đêm tàu mình thắp đèn, giờ họ hạ bè xuống để gọi cá theo đèn, rồi hạ lưới quây lại. Kiểu này đến khoảng 6 giờ sáng là mình có thể mua được cá của tàu bạn. Từ ngày trên biển gọi nhau thắp đèn chung thế này, tàu bạn đánh được nhiều cá hơn, tàu mình cũng mua được nhiều hàng hơn".

Máy móc hiện đại

Trước kia những tàu cá vươn khơi chỉ có duy nhất một chiếc máy định vị, và máy bộ đàm Icom, ngư dân phải kéo lưới bằng tay là chủ yếu, đồ ăn thì đa số là thực phẩm khô, với các loại củ. Bây giờ những con tàu cá vươn khơi không chỉ to lớn về công  suất và trọng tải mà máy móc trang bị để làm nghề cá cũng hiện đại giống như những ngôi nhà công nghệ trên biển. 

Trước kia tàu cá chỉ trang bị các loại máy tầm ngư, đơn giản là dò tìm xem ở dưới biển có đàn cá hay không. Nhưng giờ tàu có thế hệ máy mới giá lên đến nửa tỉ đồng mỗi chiếc, có thể đếm được số lượng cá trong đàn, đo được tốc độ cá bơi, nước chảy, độ sâu của vùng biển...”.

Anh Mai Đức Huy - Thuyền trưởng tàu BT 091258ts

Để được tận mắt thấy sự hiện đại của những con tàu thế hệ ngư dân mới, tranh thủ lúc tàu cập mạn bán cá, tôi sang thăm tàu BT 091258TS do anh Mai Đức Huy (40 tuổi, quê Quảng Bình) làm thuyền trưởng. Anh Huy hồ hởi khoe: “Tàu của tôi được đóng theo chính sách của Nghị định 67 nên trang bị cũng thuộc loại đầy đủ. Trước kia tàu cá chỉ trang bị các loại máy tầm ngư, đơn giản là dò tìm xem ở dưới biển có đàn cá hay không. Nhưng giờ tàu có thế hệ máy mới giá lên đến nửa tỷ đồng mỗi chiếc, có thể đếm được số lượng cá trong đàn, đo được tốc độ cá bơi, nước chảy, độ sâu của vùng biển. Mỗi lần thả lưới mất vài tiếng đồng hồ, tốn rất nhiều công, nếu đàn cá bé quá và số lượng ít thì không nên thả lưới đỡ mất công".

Nếu như tất cả các loại tàu cá ra khơi đều được trang bị máy tầm ngư để tăng hiệu quả đánh bắt, thì giờ đây những tàu cá mới đã trang bị thêm radar. Anh Huy bật mí: "Radar vô vùng đắt đỏ, đầu tư cả tỷ đồng, nhưng biết sử dụng vô cùng hiệu quả. Mình chỉ cần bật radar lên quét, cứ thấy nhóm tàu bạn ở đâu cùng nhau khoảng 2 ngày là biết nơi đó đang có cá, nên có thể tới tham gia đánh bắt cùng. Nhưng hiện nay, ở Nhật Bản  đã chế tạo ra loại radar tìm chim trên biển, nghe có vẻ vô lý nhưng chỉ những người đi biển mới biết”. Ở đâu có chim kiếm ăn ở đó có cá, nên sắp tới anh Huy sẽ nghiên cứu đầu tư thêm radar tìm chim để chủ động trong công tác tìm đàn cá.

Cũng liên quan đến công nghệ trên tàu, hiện nay những tàu thế hệ mới đã trang bị máy tàu với hệ thống kim phun điện tử, tuy đầu tư đắt nhưng lại tiết kiệm được 30% lượng dầu so với những loại máy cũ. Trong những phí tổn đi biển, dầu bao giờ cũng chiếm quá nửa, chỉ cần đầu tư máy mới 1 năm là huề vốn, còn từ năm thứ 2 trở đi là có lãi. Ngoài những thứ máy móc cơ bản ra, hiện nay công nghệ kéo lưới bằng máy cũng được các tàu lưới  sử dụng, giải phóng được khá nhiều sức kéo bằng tay cho ngư dân. Tổng kết lại con tàu “67” được trang bị khá hiện đại của mình, anh Huy chia sẻ: "Năm vừa qua làm biển khá hiệu quả, cuộc sống của ngư dân an toàn và thuận tiện hơn. Năm qua đã trả lãi đúng hạn cho nhà nước với số tiền  hơn 203 triệu đồng, và 23 lao động trên tàu thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm”.