Điều ngược đời là số bà con vui mừng ủng hộ các chủ trương, chính sách “lợi cả đôi đường” này thì ít mà lượng người lo lắng thì nhiều. Càng những hộ khó khăn càng lo lắng, phản ứng mạnh. Hỏi ra mới biết, đa phần bà con lo vì khi làm theo chỉ đạo của chính quyền đương nhiên họ tự đánh mất cơ hội “đòi” những khoản phong bì mà bấy lâu đã “nhịn miệng” để đi mừng...
Nhà ông Hoành - bà Ký chuẩn bị tổ chức cưới cho cô con gái đầu lòng. Mặc dù gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn Vằng, nhưng phen này ông Hoành quyết tổ chức một đám cưới ra trò, dự định làm đến 70 mâm để mời khách. Để làm được một đám cưới như mong muốn phải có vài chục triệu đồng, vậy mà ông bà lại chẳng có đồng nào. Tính chán, ông Hoành chợt nhớ đến người em ruột đang buôn bán, khá giàu có trên thị trấn.
Tay xách, nách mang lên gặp em, ông Hoành dốc bầu tâm sự: “Đã bao năm nay mình bán lúa, bán gà góp tiền đi ăn cơm giá cao của thiên hạ, giờ mà không làm to, người ta cười chê, với lại cái chính đây là cơ hội để anh thu hồi vốn...”.
Em ông nảy ra sáng kiến: “Thôi! Để cho đẹp mặt cả nhà mà anh lại có một khoản lãi chắc chắn, em tính thế này: Em sẽ đưa anh 4 triệu đồng bỏ túi, còn anh giao đám cưới của cháu cho em lo, lãi thì em được, lỗ em tự chịu. Anh chị chỉ đứng danh nghĩa là bố mẹ tổ chức”.
Về nhà, suốt mấy ngày vợ chồng ông Hoành bàn tính, suy nghĩ, cân nhắc và đi đến quyết định nhận lời thực hiện đám cưới theo ý tưởng của người em trai.
Đám cưới cô con gái cả của ông Hoành diễn ra vui vẻ, hoành tráng đúng như những gì vợ chồng ông mong muốn. Chỉ có điều, em trai ông sau vụ tiếp nhận quyền tổ chức đám cưới của cháu gái, trừ các khoản chi phí đã thu lãi hơn 9 triệu đồng. Đám cưới kết thúc hôm trước, thì hôm sau anh em ông Hoành tuyên bố từ mặt nhau. Chuyện vỡ lở, dân làng bàn tán, thêu dệt khiến vợ chồng ông ra khỏi nhà là không dám ngẩng mặt nhìn ai. Hôm gặp chúng tôi, ông Hoành thở dài: “Làm đám cưới nhỏ thì lo, để có đám cưới to lại buồn”...
Cận Quê