Gập ghềnh đường đến trường
Nằm cách trung tâm huyện Đăk Glei hơn 60km, Ngọc Linh là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Để có thể đến trường, phần lớn học sinh ở đây đều phải đi bộ hơn 2 giờ, băng qua những triền núi cao trơn trượt rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, nhiều em chưa thực sự đam mê, gắn bó với việc học tập của mình. A Hiết - học sinh lớp 9 ở làng Lê Vân (Ngọc Linh) kể: “Nhà em ở xa lắm, mỗi lần đến trường phải đi bộ hơn 1 giờ.
Vì thích học cái chữ nên sáng nào em cũng dậy từ 5 giờ để chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa tại trường”. Còn em A Phế - học sinh lớp 7 ở làng Tân Út cho hay: Mỗi lần đến trường, em phải đi bộ hơn tiếng rưỡi. Vào mùa mưa, em không thể đến trường nên phải mượn vở bạn cùng lớp tự học ở nhà.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường PTDT bán trú Ngọc Linh. |
Chia sẻ về khó khăn mà các học sinh gặp phải, ông A Hên - Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: “Khó khăn nhất của xã Ngọc Linh chính là địa hình triền núi dốc, dân cư chủ yếu là đồng bào thiểu số sống tập trung ở khu vực đồi núi nên để vận động con em họ đến trường là rất khó khăn”.
Để giảm bớt khó khăn cho con em đến trường, từ năm học 2006 - 2007, Trường THCS Ngọc Linh đã xin hỗ trợ từ T.Ư và địa phương, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của UBND xã Ngọc Linh và đóng góp ngày công của phụ huynh để xây dựng mô hình bán trú cho học sinh. Một căn nhà bằng gỗ và 1 bếp ăn tạm đã được dựng lên để các em học sinh ở xa nghỉ lại trường, còn phụ huynh đóng góp gạo, củi cho con em mình. Ngoài ra, trường còn kêu gọi sự giúp đỡ của hội khuyến học, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn để có điều kiện cải thiện thêm bữa ăn, mua sắm đồ sinh hoạt hàng ngày và dụng cụ học tập cho các em. Riêng năm học 2009 - 2010, từ nguồn vốn Chương trình 135, trường đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thêm 6 phòng ở cho học sinh bán trú, 1 sân chơi, 1 nhà ăn.
Học tập tốt hơn nhờ bán trú
Đến trường khi học sinh vừa tan học buổi sáng, chúng tôi thấy các em ngồi tập trung ăn cơm và trò chuyện rất vui vẻ, đầm ấm. A Phế khoe: “Từ khi trường có bán trú, em được ở lại trường, không còn vất vả dậy sớm như trước nữa. Đi học mệt nhưng vui lắm, vì ngoài học chữ, em được gặp bạn bè, thầy cô, xem ti vi, chơi nhiều trò chơi...”.
Thầy Trần Ngọc Mạnh - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Ngọc Linh cho biết: “Trước đây, khi chưa xây dựng mô hình học bán trú, thời gian học tập tại nhà của các em hầu như không có. Tình trạng này kéo dài sẽ làm mất kiến thức nền của các em. Chính vì vậy, việc tham gia học bán trú sẽ giúp các em có nhiều thời gian cho việc học, vì ngoài giờ học chính, các em còn được học phụ đạo. Đặc biệt, buổi tối thầy cô còn kèm thêm cho các học sinh yếu kém”.
Em A Hiết kể: “Từ khi được ở lại trường, em có nhiều thời gian học tập hơn, giờ thì cuối tuần em mới về nhà. Những gì trên lớp chưa hiểu, buổi tối em có thể hỏi thêm thầy cô, bạn bè nên mấy năm học vừa qua em đều đạt học sinh tiên tiến”.
Ngô Xuân