Sụt lún do cạn kiệt nguồn nước ngầm
Ông Kỷ Quang Vinh - Chánh văn phòng công tác BĐKH TP.Cần Thơ cho biết, mỗi năm, ĐBSCL sụt lún đất từ 1-2cm; đặc biệt có nơi sụt lún sâu hơn từ 2-4cm. “Do khai thác nước ngầm quá mức nên mới dẫn đến sụt lún đất. Hiện nay, các tầng nước ngầm chúng ta sử dụng hầu như đã cạn kiệt” – ông Vinh thông tin.
Người dân vùng ven biển ĐBSCL sử dụng nhiều nguồn nước ngầm làm gia tăng tình trạng sụt lún đất (Trong ảnh, người dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trữ nước để sử dụng trong mùa khô). Ảnh: HUỲNH XÂY
Theo kết quả nghiên cứu của dự án “Rise and Fall”, phần lớn cao trình bề mặt đất tại ĐBSCL thấp hơn 1m so với mực nước biển. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến việc ĐBSCL rất dễ bị tổn thương do nước biển dâng. |
Còn ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng thì cho biết, khảo sát của ngành chức năng địa phương cho thấy, lưu lượng khai thác nước ngầm hiện đã vượt mức an toàn. 3 khu vực như TP.Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu mực nước ngầm đã hạ liên tục giống như “cái lồng chảo”.
Theo ngành chức năng các địa phương, do nhu cầu sử dụng nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất ngày càng gia tăng đã khiến nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt hơn.
Ngoài khai thác nước ngầm, việc các lớp trầm tích dày bị nén, tác động của điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và quá trình kiến tạo địa chất bị đứt gãy cũng là những lý do dẫn đến sụt lún đất. “Tốc độ sụt lún đất tăng lên ở các khu đô thị và khu vực khai thác nước ngầm, tạo ra nhiều mối lo ngại” - PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung - Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH.Cần Thơ) nhận định.
Nên ngừng cấp phép khai thác nước ngầm
Để hạn chế sụt lún đất ở ĐBSCL, ông Vinh cho rằng nên học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản. Theo ông Vinh, ngay từ bây giờ, Việt Nam nên ngừng ngay việc cấp phép khai thác nước ngầm, nếu tiếp tục kéo dài thì “độ trễ của nó (độ phục hồi mực nước ngầm) sẽ còn kéo dài thêm vài chục năm nữa”.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ của dự án “Rise and Fall” do các viện, trường tại Hà Lan và Việt Nam kết hợp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về khai thác nước dưới đất; để hạn chế tình trạng trên, cần căn cứ vào từng tiểu vùng cụ thể để có giải pháp phù hợp. Cụ thể, vùng thượng nguồn ĐBSCL có nguồn nước mặt dồi dào có thể xây các hồ trữ nước, vùng trung tâm với các đô thị cần nghiêm cấm khai thác nước ngầm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tái sử dụng nước thải.
Riêng ở vùng ven biển – nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngầm cần xây dựng các hồ chứa nước mưa kết hợp với việc xây dựng đường ống cấp nước dẫn từ khu vực thượng nguồn về vùng này. Từng hộ dân ở khu vực ven biển cần xây dựng các bể chứa nước mưa để phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra, ĐBSCL cần hạn chế sử dụng nước ngọt sản xuất lúa vụ 3 để tăng diện tích trữ nước ngọt điều hòa lại trong mùa khô.