Dân Việt

Bộ trưởng Công Thương kết thúc chất vấn

22/11/2010 14:09 GMT+7
Dân Việt - Sau phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trả lời các đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan.

Mở đầu phiên chất vấn chiều 22-11, xung quanh tình trạng bão giá thời gian gần đây ảnh hưởng xấu đến đời sống người lao động, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đặt câu hỏi: Giá gas điều chỉnh bốn lần, phân bón, thuốc trừ sâu tăng đến 40% và các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. CPI đã lên 1,3%, sau đó tăng tiếp 1,05% trong tháng 10 trong khi chỉ tiêu chỉ 0,4%, đẩy lạm phát lên rất cao.

img
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt câu hỏi chất vấn trong phiên sáng 22-11. Ảnh: Sỹ Lực

Giá cả tăng cho thấy các chính sách bình ổn, kiềm chế giá đã không đạt được hiệu quả? Chính sách điều hành xuất nhập khẩu thế nào khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhưng mặt hàng thức ăn chăn nuôi luôn luôn phải nhập khẩu? Chính sách điều hành xuất nhập khẩu thế nào trong thời gian tới đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi?

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) dẫn số liệu hơn một tháng đã có hơn 100 người chết vì lũ chất vấn: Về vấn đề thủy điện xả lũ, sẽ có biện pháp căn bản, lâu dài nào? Việc nhập khẩu hàng hóa, vì sao một đất nước nông nghiệp nông dân có thể sản xuất được nhiều loại hàng hóa rau, hạt điều... thì lại nhập quá nhiều hàng nông sản.

Bà Nga chất vấn, phải chăng doanh nghiệp nhập khẩu có lợi rất nhiều? Nhưng như thế người nông dân sẽ đi về đâu? Giải pháp của Bộ Công Thương để hạn chế việc nhập khẩu nông sản?

Đối với các ý kiến thủy điện gây lũ, làm thiệt hại cho nhân dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Cần có một đánh giá khách quan, độc lập để đánh giá thiệt hại, tác động từ thủy điện gây ra. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra thực hiện quy hoạch thủy điện nhỏ, chủ động mời các cơ quan tham gia phản biện để đảm bảo tính khách quan. Nếu thấy phù hợp sẽ tiếp thu để có sự điều chỉnh cần thiết.

Rau quả chúng ta đã xuất siêu

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích về những nhóm nguyên nhân gây tác động khiến giá cả hàng hóa biến động tăng cao. Nhóm nhân tố thị trường có tác động rất lớn. Đặc biệt là tình hình xuất nhập khẩu trong những năm qua, đặc biệt năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, điều này nói lên rằng nước ta có nền kinh tế mở nên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ giá cả hàng hóa thế giới. Vì giá thế giới tăng nên giá trong nước cũng buộc phải tăng. Tháng 10-2010, CPI của thế giới tăng 3,7%, tháng 11 dự kiến tăng 6,9% do đó có tác động rất lớn tới giá trong nước.

Cuối năm 2009 đã điều chỉnh giá một số hàng hóa. Tháng 3-2010 giá điện tăng 6,8%. Chấm dứt về cơ bản các gói kích cầu. Lương cũng được điều chỉnh. Tỷ giá được điều chỉnh. Đây là những yếu tố làm giá biến động. Ngoài ra sản xuất một số khu vực có năng suất thấp, giá thành cao. Chính phủ đã có nhiều biện pháp. Về đảm bảo cung cầu hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, hạn chế nhập khẩu, tăng cường kiểm tra xử lý sai phạm.

Đối với việc nhập khẩu, các biện pháp hành chính cấm nhập đuợc quyền bảo lưu đối với một số hàng hóa trong nước đã sản xuất như muối, đường...

Đối với hàng rau quả nằm trong nhóm không cấm nhập, các nước khác cũng không cấm nhập đối với hàng hóa Việt Nam, trong năm 2010 đã nhập khoảng 230 triệu USD, đã xuất hơn 300 triệu USD. Rau quả chúng ta đã xuất siêu.

Đối với muối, mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu tấn, thừa cho dân sinh. Nhưng chúng ta sản xuất chủ yếu thủ công, chưa đáp ứng được cho một số ngành. Mỗi năm vẫn phải nhập 200 ngàn tấn và việc nhập không phải chỉ là quyền của Bộ Công Thương 

img
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Sỹ Lực

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nêu nguyên nhân thời tiết, diễn biến dịch bệnh ảnh hưởng đến chăn nuôi. Chăn nuôi suy giảm 3% dẫn đến nguồn cung thiếu hụt. Lũ lụt, thiên tai chắc chắn ảnh hưởng tới giá cả.

Mặt khác kinh tế đang trên đà phục hồi. Thị trường trong nước tăng trưởng trên 25% dẫn đến sức mua lớn cũng ảnh hưởng đến giá cả.

Năm nay, giá nông sản, lương thực xuất khẩu cao cũng ảnh hưởng nhiều đến giá cả trong nước, đặc biệt là mặt hàng gạo.

Năm nay có nhiều ngày lễ lớn, nhu cầu sinh hoạt đi lại cũng tăng, gây áp lực lên giá.

Phải thúc đẩy các dự án điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, với tư cách là thành viên của Chính phủ, đã có phần trả lời đối với các chất vấn xung quanh vấn đề điện.

Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu làm được hết quy hoạch tổng sơ đồ 6 thì chúng ta đã không thiếu điện. Quy hoạch điện 6 đưa ra rất nhiều nhà máy điện, dự kiến cần 6 tỷ USD (chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội) nhưng vì thiếu vốn nên việc triển khai chậm tiến độ. Lãi suất 18% -19% nên vay sẽ không hiệu quả. Vay nước ngoài cũng không khả thi do các nước cũng không mặn mà đối với các khoản cho vay. 

Vốn đối với ngành điện, Chính phủ giao Thống đốc thường xuyên giao ban để đảm bảo vốn cho ngành điện, điều hành cho vay nóng để khởi công một số dự án. Hết năm 2010, tổng sơ đồ 6 đã thực hiện 74% và lưới điện đạt hơn 60%, như vậy là chưa đạt yêu cầu và đây là một nguyên nhân dẫn tới thiếu điện.

Mặt khác, các dự án đều vướng khâu giải phóng mặt bằng. Thủ tướng, Ban chỉ đạo nhà nước đều đã cùng với địa phương điều hành công tác này nhưng vẫn có những công trình giải phóng mặt bằng chậm đến 2-3 năm

Về giá điện 5,2 cent, so với các nước trong khu vực là rất thấp khiến việc huy động vốn cho công trình, đặc biệt của tư nhân rất kém hấp dẫn. Giá điện chính là khó khăn nhất mà không tháo gỡ được thì không giải quyết được việc huy động vốn cho ngành điện cũng như không giải quyết được việc thiếu điện.

Về tình trạng sử dụng điện thiếu hiệu quả, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: Việt Nam là quốc gia thiếu năng lượng và thiếu điện nên chúng ta phải chấp nhận việc phải nhập khẩu. Tuy nhiên, giải pháp được đưa trong thời gian tới là phải tập trung tháo gỡ chương trình dự án đang thi công. Hiện có 35 công trình điện đang thi công chậm tiến độ, đặc biệt là chịu sức ép biến động giá. Nếu không có sự chỉ đạo sát sao thì chắc chắn sẽ còn chậm tiến độ nữa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Phải thúc đẩy các dự án đầu tư vào ngành điện trong nước và nước ngoài. Nếu giá điện không được điều chỉnh thì sẽ không có nhà đầu tư nào vào. Cần phải có cơ chế hấp dẫn mới thu hút được. Trong tháng 12 sẽ ban hành cơ chế giá điện gió. Hiện giá điện là 5,2 cen, trong khi giá điện gió dự kiến là 5,5 cent, do vậy cần phải có phương án để cân đối giá hợp lý.

Các biện pháp chấn chỉnh chủ đầu tư và nhà thầu trong các dự án điện cũng như kế hoạch triệt để tái cơ cấu ngành điện cũng cần được tích cực triển khai. Sang năm 2011 sẽ có cơ chế cạnh tranh trong ngành điện. Tách phần bán điện ra khỏi phân phối truyền tải. Thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Cần mạnh dạn như việc đưa xăng dầu. Nếu không thực hiện thị trường hóa trong lĩnh vực năng lượng thì không có cách gì chúng ta đủ năng lượng.

Về vấn đề lũ lụt và thủy điện trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu ra ba nguyên nhân: Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết rất bất thường. Ở Ninh Thuận, mưa trong 7 ngày qua bằng cả năm. Ngày 1-11, chiếm 42% lượng mưa cả năm. Ở Nha Trang, mưa 4 ngày gần bằng lượng mưa cả năm. Để đối phó với vấn đề này, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân thứ hai là do việc mất rừng, phá rừng, nhất là xung quanh các nhà máy thủy điện, xâm lấn khu vực sinh thủy đang rất bức xúc. Và thứ ba, vấn đề quy trình vận hành đảm bảo an toàn cho hạ du đối với các công trình có trước năm 2008 đều chỉ đặt vấn đề xả lũ đảm bảo an toàn cho đập và đảm bảo phát điện. Để khắc phục, Thủ tướng và các bộ ngành đã có quy định mới, rất quan trọng

Theo đó, các công trình có trữ lượng 0,2 triệu m3/năm đều phải quan tâm đến vấn đề xả lũ. Quy trình vận hành liên hồ thủy điện cũng đã được xây dựng. Ngoài ra cũng đã xây dựng xong quy trình vận hành đối với các hồ chứa tại lưu vực của 4 con sông lớn, còn 6 lưu vực sông nữa sẽ tiếp tục thực hiện. Sẽ kiểm tra giám sát nghiêm ngặt quy trình xả lũ.

Về an toàn các dự án bô xít, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: Đoàn cán bộ đã sang Hungaria khảo sát vừa về, bước đầu đã có một số kết quả. Thứ nhất, về công nghệ, công nghệ của Hungaria là từ năm 1942, sau 70 năm so với công nghệ tiên tiến hiện nay ở Việt Nam. Công nghệ ở Việt Nam thải ướt chiếm 66%, thải khô 34%. Độ an toàn PH của công nghệ thải ướt có thể nói là không làm ăn mòn các thiết bị.

Về hồ chứa, các hồ ở Hungaria được xây dựng dựa trên đất á sét, nền yếu và không gia cố. Ở Việt Nam dựa trên hồ xây có kết cấu 5 lớp, độ thẩm thấu đảm bảo hơn nhiều lần. Về thành hồ chứa, hồ của Hungaria không có móng, cao 25-30m. Còn hồ chứa của Việt Nam ở trong thung lũng, ba mặt đồi núi, còn được gia cố thêm.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên còn cho biết: Ở Hungaria, bể số 10 thậm chí chứa tới 4,2 triệu m3, trong khi ở Việt Nam chỉ chứa đến 1,6 triệu m3, áp lực đỡ được 3-4 lần. Bộ trưởng nói: Điểm quan trọng nhất, bạn chưa lường được nguy cơ rủi ro, còn chúng ta đã có bài học.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đến đây là kết thúc.