Dân Việt

Đáng lẽ cần giải cứu đàn lợn sớm hơn

Minh Huệ- Thu Hà 21/04/2017 06:45 GMT+7
Trước tình hình ngành chăn nuôi đang rơi vào bế tắc, nhất là giá lợn hơi đã tụt sâu xuống dưới 30.000 đồng/kg suốt nhiều tháng liền khiến nhiều hộ nông dân đứng trước bờ vực phá sản, Bộ NNPTNT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ 2 nhóm giải pháp để “cứu” ngành này. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc giải cứu như thế này là quá chậm.

PV Dân Việt đã ghi nhận ý kiến của một số người trong cuộc

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: 

Vẫn cho nhập khẩu là “giọt nước làm tràn ly”

img

Đáng lý ra, việc kêu gọi các doanh nghiệp thu mua lợn, giết mổ rồi trữ đông phải thực hiện từ lâu rồi mới đúng. Câu hỏi đặt ra bây giờ, ai sẽ là người bỏ tiền ra mua lợn trữ đông? Mua với giá nào? Ai sẽ đủ tiền, đủ kho lạnh dự trữ để đủ sức làm biến đổi thị trường, khi dự báo giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm nữa trong thời gian tới. Nếu có mua dự trữ, các doanh nghiệp phải thu mua ít nhất 100.000 tấn và dự trữ trong 6 tháng thì mới có thể cứu được ngành chăn nuôi. 

Việc ngành công thương cho nhập hơn 7.000 tấn thịt trong quý I so với mức tiêu thụ của thị trường không lớn, nhưng người dân đánh giá đó là giọt nước làm tràn ly. Bởi khi 10 triệu người chăn nuôi lợn trong nước đang chịu cảnh khổ sở vì giá giảm sâu mà vẫn cho nhập, chứng tỏ ngành chức năng chưa thực sự sát cánh cùng người chăn nuôi. Tình cảnh bi đát của người nuôi lợn hiện nay có thể xem là trận “thiên tai” lớn nhất của ngành chăn nuôi, nếu không có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan thì sẽ không thể kìm được đà giảm của thị trường, khiến ngành chăn nuôi đổ vỡ. 

img

Giá lợn được dự báo còn tiếp tục giảm sâu (chụp tại huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).  Ảnh: TTXVN 

Nông dân Nguyễn Hồng  Thái (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh): 

Mong các công ty cám chia sẻ khó khăn

img

Nhà tôi nuôi 200 con lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm/năm. Gắn bó với đàn lợn hơn chục năm nay mà chưa bao giờ tôi khốn khó như lúc này. Giá lợn xuống tận đáy đã đành, thương lái còn không mua. Tôi có 1.600 lợn thương phẩm đến thời điểm xuất bán nhưng mới bán được 60 con với giá 27.000 đồng/kg hơi, mỗi con chịu lỗ từ 1,8 - 2 triệu đồng. Những con lợn nào đạt trọng lượng từ 120 – 130kg mới bán được giá 27.000 đồng/kg. Còn những con nhỏ hơn, xấu hơn, giá thậm chí là 24.000 đồng/kg, van nài mà thương lái còn không muốn mua. Thực sự, đến lúc này gia đình tôi đã bế tắc, đàn lợn không biết bán đi đâu.Tôi thấy một nghịch lý là giá lợn giảm xuống tận đáy, nhưng giá thức ăn vẫn không giảm. Trong bối cảnh giá lợn hơi giảm và dư thừa như hiện nay, người chăn nuôi chúng tôi vẫn phải tiếp tục duy trì đàn, không thể bỏ đói lợn được. Tôi đề nghị các công ty cám chia sẻ khó khăn với người nuôi lợn. Hiện các công ty cám yêu cầu chúng tôi phải trả tiền mặt trước mới chuyển cám, khiến chúng tôi không biết phải xoay sở ra sao để tiếp tục duy trì đàn lợn.