Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã bất ngờ kiểm tra phòng khám Thiên Tâm. Qua kiểm tra cho thấy, phòng xét nghiệm của phòng khám chỉ có một máy soi vi sinh, không có máy xét nghiệm.
Theo bác sĩ Lê Quang Sơn - phụ trách chuyên môn phòng khám Thiên Tâm, do bác sĩ nghỉ ốm nên cơ sở tranh thủ mang máy xét nghiệm đi bảo dưỡng. Tuy nhiên, cán bộ đoàn thanh tra cho biết, điều này là không thể chấp nhận được vì phòng khám không đủ điều kiện để mở cửa.
Bộ trưởng bức xúc về việc bác sĩ nước ngoài không ghi chép bệnh án, đơn thuốc. Ảnh: D.L
Phòng khám có hai bác sĩ người nước ngoài tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn phát hiện 2 bác sĩ này đều không có “lưu bút” trong bất cứ sổ sách, hồ sơ, đơn thuốc nào.
Theo lời bác sĩ Sơn, đó là do bác sĩ nói cho phiên dịch ghi bằng tiếng Việt, vì ghi bằng tiếng Trung thì bệnh nhân cũng không hiểu được. Tuy nhiên, ông Đặng Văn Chính – Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế phản bác gay gắt: “Điều này là vi phạm quy chế chuyên môn do Bộ Y tế quy định. Đáng nhẽ bác sĩ phải ghi chép bệnh án, chỉ định xét nghiệm, kê đơn và ký vào văn bản, sau đó phiên dịch mới dịch sang tiếng Việt. Nếu bác sĩ không ghi chép thì lúc xảy ra tai biến sẽ lấy gì làm bằng chứng?”.
Phòng xét nghiệm trơ trọi máy soi vi sinh. Ảnh: DL
Về điều này, Bộ trưởng Tiến cũng bất bình: “Bác sĩ không ghi chép bệnh án, không lưu bệnh án thì không thể là bác sĩ giỏi được. Nếu không ghi bệnh án thì làm sao theo dõi được quá trình diễn biến bệnh tật của bệnh nhân, đồng thời bổ sung kiến thức, nâng cao chuyên môn của mình”.
Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng cho biết, kiểm tra cho thấy phòng khám Thiên Tâm có nhiều danh mục kỹ thuật không được phép, không đăng ký nhưng vẫn có trên bảng giá.
Cụ thể như danh mục giá của xét nghiệm nội tiết tố nam, nữ. Đây là kỹ thuật sinh hoá phức tạp phòng khám không được phép thực hiện. Hoặc phòng khám không đăng ký dịch vụ kế hoạch hoá gia đình nhưng vẫn có riêng phòng khám kế hoạch hoá gia đình. Các kỹ thuật không được phép như phá thai nội khoa, bơm hút thai… nhưng phòng khám vẫn có quy trình chuyên môn… Phòng khám treo biển quảng cáo “Trị liệu bằng phương pháp Leep” mặc dù không có máy thực hiện kỹ thuật này và phòng khám cũng không được phép thực hiện kỹ thuật này.
Phòng kế hoạch hoá gia đình sơ sài và cũng chưa được cấp phép. Ảnh: D.L
“Trong phòng khám sản phụ khoa cũng không có xô khử khuẩn tại chỗ như quy định chuyên môn của Bộ Y tế. Theo lời nhân viên y tế thì nhân viên sẽ mang dụng cụ cần khử khuẩn từ tầng 2 lên tầng 6 để khử. Như vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật với nhân viên y tế khác cũng như ra môi trường xung quanh. Phòng khử khuẩn cũng như… nhà vệ sinh cũng không đúng” – ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, từ ngày 16.4 đến nay trong hồ sơ ghi chép của phòng khám sản phụ khoa cũng chỉ có 1 bệnh nhân. “Nếu thực là như thế thì lấy gì trả lương cho nhân viên” – ông Tuấn đặt nghi vấn.
“Dụng cụ lèo tèo, máy xét nghiệm không có, bác sĩ nước ngoài không ghi bệnh án… Bệnh nhân dám đến đây chữa bệnh quả là dũng cảm” - Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trước đó không lâu, Sở Y tế đã xử phạt phòng khám Thiên Tâm 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động hơn 4 tháng. Theo ông Cường, hiện mức xử phạt bằng tiền đối với các phòng khám tư không làm họ sợ, mà theo quy định thì không thể đóng cửa. Nhiều phòng khám vi phạm liên tục. Sở Y tế Hà Nội cũng đề xuất mức xử phạt cao hơn đối với các phòng khám tư phạm lỗi nhiều lần, thậm chí là đóng cửa.
Phòng siêu âm
Bộ trưởng Tiến nhận định, đối với các phòng khám cơ sở vật chất sơ sài, chất lượng khám không đảm bảo thì chắc chắn không thể giữ được bệnh nhân, có lẽ nên tự đóng cửa. “Bộ cũng sẽ nghiên cứu kiến nghị của Sở, đối với các phòng khám tái phạm lỗi nhiều lần thì có lẽ cũng nên đóng cửa vĩnh viễn” - Bộ trưởng cho biết.
Cùng ngày, Bộ trưởng cũng đi kiểm tra phòng khám gia đình có yếu tố nước ngoài Family Medical Pratice (298 Kim Mã, Hà Nội). Phòng khám có tới 13 bác sĩ nước ngoài nhiều quốc tịch, hoạt động nhiều năm.