Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề bức xúc. (Ảnh minh họa).
Sáng 22.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo kiến nghị 6 nội dung để trình Quốc hội lựa chọn giám sát, bà Lê Thị Nga cho rằng: Cần giám sát bốn nội dung. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách pháp luật về sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Bởi thời gian vừa qua có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề từ việc cổ phần hoá sang tính giá trị đất, giá trị doanh nghiệp, chuyển từ nhà nước sang tư nhân... gây bức xúc.
Thứ hai thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn, trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cần có giám sát tối cao về vốn ODA.
Thứ ba là việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. "Tôi từng phát biểu trước Quốc hội khá nhiều lần. Mỗi năm nước ta khoảng 8.000-9.000 người chết vì tai nạn giao thông, đó là số tử vong tại tại chỗ, trường hợp vào bệnh viện một thời gian sau mới tử vong chưa tính tới. Còn số lượng người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông thì cao gấp đôi. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội giám sát xem tại sao chúng ta càng tăng cường thì tình hình trật tự an toàn giao thông ngày càng bức xúc", bà Nga nói.
Bà Ngân dẫn chứng, năm 2015 phát hiện 1.717 vụ trẻ em bị xâm hại, năm 2016, phát hiện 1.641 vụ, quý I.2017 là 375 vụ. |
Chuyên đề thứ tư được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội giám sát là thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em, đây là vấn đề hiện đang rất bức xúc.
"Cần phải xem các nhà trẻ, các cơ sở mầm non trông giữ trẻ, thời gian qua tình hình bạo lực với trẻ em tại đây rất bức xúc. Thứ hai là tình trạng bạo lực tình dục với trẻ em cũng là vấn đề báo động" - bà Lê Thị Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý bổ sung giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em. Theo Chủ tịch Quốc hội, chỉ riêng báo cáo về kết quả phòng, chống xâm phạm tình dục trẻ em, chưa nói vấn đề xâm phạm khác đã rất đáng ngại. Bà Ngân dẫn chứng, năm 2015 phát hiện 1.717 vụ trẻ em bị xâm hại, năm 2016, phát hiện 1.641 vụ, quý I.2017 là 375 vụ.
"Đó là những vụ việc được phát hiện, chưa nói đến các trường hợp chưa được phát hiện. Tôi thấy vấn đề này cần được giám sát" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Góp ý vào dự kiến chương trình giám sát, cả Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đều đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số.
"Chuyên đề này chưa bao giờ có giám sát tối cao, vấn đề nữa việc giám sát còn phục vụ cho nhiệm kỳ Quốc hội này khi chúng ta dự kiến thông qua Luật Hỗ trợ phát triển miền núi và dân tộc" - ông Hà Ngọc Chiến nói.