Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, hai kỳ gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu “chưa được” trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Y tế sẽ trả lời xung quanh các vấn đề về: Tình trạng quá tải bệnh viện, quản lý thuốc, quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế… với tổng số 15 câu hỏi của đại biểu Quốc hội và một câu hỏi của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Sỹ Lực |
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, về nguyên nhân quá tải bệnh viện, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã khảo sát thực trạng, báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Năm 2008, thường xuyên có 15.000 người phải nằm ghép hàng ngày. Nay khoảng trên 6.000, chủ yếu ở các khoa tim mạch, huyết áp, ung thư, nhi... Một số bệnh viện không còn ghép như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Thanh Nhàn… Do dân số tăng nhanh nên tỷ lệ là 20 giường bệnh trên một vạn dân.
Gần đây đã đưa vào cộng đồng 30 triệu thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào vùng sâu vùng xa, trẻ em… Con số này tương tự Thái Lan và các nước, nhóm này tăng 1,5 đến hai lần so với các nhóm khác.
Về đào tạo, từ năm 2007 đến nay, đào tạo Đại học tăng 1,7 lần, sau Đại học tăng 1,6 lần, đào tạo cho con em miền núi tăng 1,6 lần. Việc xây dựng lực lượng mới và đào tạo cán bộ vài năm tới sẽ được cải thiện lớn.
Bệnh nhân ra nước ngoài ngày càng giảm
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi: Ngoài năm nguyên nhân quá tải, còn nguyên nhân nào khác? Do nhân lực y tế ở miền núi, hoặc ở địa phương lại có xu hướng về Hà Nội, vậy có biện pháp gì giữ chân họ?
Kết quả đề án 1816 đáng ghi nhận. Nhưng chưa bền vững và phát huy được nội lực địa phương. Làm gì để bền vững hơn?
Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hải Phòng) nêu vấn đề: HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm nan giải, đại dịch thế giới, Việt Nam không tránh khỏi. Việt Nam đã từng bước kiểm soát tốc độ lây nhiễm, dự kiến sẽ ngăn chặn vào năm 2015. Tuy nhiên qua theo dõi thấy người nhiễm HIV rơi vào độ tuổi thanh niên khá nhiều. Đây là lực lượng lao động chính trong xã hội, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần gia đình nói riêng, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung. Bộ trưởng có quan tâm vấn đề này không và Bộ trưởng có biện pháp cụ thể nào để ứng phó giải quyết vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) hỏi hai câu: Thứ nhất, giảm tải các bệnh viện T.Ư và tỉnh, đã có nhiều biện pháp. Nhưng bệnh nhân ra nước ngoài lại tăng lên, nhất là bệnh khó, gây tốn kém. Dư luận cho rằng, do cơ sở, trang thiết bị… Thực trạng như thế nào? Bộ sẽ có giải pháp gì khắc phục?
Thứ hai, xã hội hoá y tế khuyến khích phát triển ngoài công lập nhưng hiện mới chỉ tập trung ở Hà Nội, TPHCM, còn ở nơi khác chưa hoặc manh mún. Bộ có giải pháp gì tăng bệnh viện ngoài công lập?
Về vấn đề chống HIV, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời: Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo. Ba năm qua, chúng ta giảm được người mắc, mắc và tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm HIV 80% qua tiêm chích ma tuý, 6-8% qua tình dục. Những chỉ tiêu ta đạt được, phần lớn thuộc về y học dự phòng và HIV-AIDS… Thời gian qua, tỷ lệ mắc ở thanh niên giảm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, bệnh nhân ra nước ngoài đang ngày càng giảm, kể cả lãnh đạo có tiêu chuẩn, do tin tưởng vào y tế Việt Nam. Những gì y tế khu vực và quốc tế làm được, ta cũng làm được. Thường xuyên có trên 300 bác sĩ trẻ các nước đến Việt Nam làm việc. Có thể ví dụ như trước đây chúng ta không có máy quét vesty, nay đã có bốn, trong đó ba cái xã hội hoá, một cái của nhà nước; ta đã ghép được gan, được thận.
Về vấn đề xã hội hoá, Bộ trưởng Y tế trả lời, vấn đề xã hội hóa mắc nhất là đất đai. UBND các tỉnh thành phải giải quyết đất cho y tế là đất sạch như khu công nghiệp. "Còn vấn đề nhân lực đang thiếu. Chúng tôi sẽ làm quy trình gửi Quốc hội và Chính phủ", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, cần nâng tuổi phục vụ của các bác sĩ còn có đủ khả năng cống hiến. Về mặt này cần điều chỉnh ở Luật Lao động đối với ngành y tế.
Đúng là có phiền hà thật
Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: Vấn đề không phức tạp nhưng kéo dài, cử tri bức xúc nhưng không được giải đáp, đó là tai nạn giao thông hàng ngày, người nhà vẫn chờ đợi giải quyết thủ tục nhưng thủ tục không thống nhất giữa y tế, công an, giao thông… Đề nghị thông báo việc thanh toán chi phí khám chữa với người có bảo hiểm đã được thống nhất hay ký ban hành chưa?
Đại biểu Trần Thị Hằng (Nam Định) hỏi: Thực hiện dự án đầu tư nâng cấp bệnh viện từ nguồn trái phiếu 2008 - 2010, mục tiêu của dự án mua trang thiết bị cho tuyến huyện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đề nghị Bộ Y tế bổ sung nguồn vốn đã cam kết. Đến năm 2020 Bộ có tiếp tục đầu tư nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn khác nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên không? Mô hình bệnh viện vệ tinh và đề án 1816 có những thuận lợi và khó khăn gì?
Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nêu câu hỏi: Cử tri than phiền phải đợi lâu khi khám chữa do thủ tục phiền hà, nhất là với bệnh nhân có bảo hiểm. Sẽ làm gì khắc phục? Đời sống viên chức cán bộ y tế khó khăn, chế độ đãi ngộ bất cập, đào tạo 6 năm, nhưng lương bằng ngành khác, nên khi về hưu sẽ thấp hơn nên thiệt thòi hơn. Giải quyết thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời: Theo Luật Bảo hiểm Y tế, người bị tai nạn giao thông không vi phạm Luật Giao thông được thanh toán. Thông tư liên tịch 09 của Bộ Y tế nêu rõ, khi bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, chưa được xác định có kết luận của cơ quan thẩm quyền không vi phạm luật thì không phải thanh toán, nếu vi phạm phải thanh toán.
Sau đó, đại biểu có chuyển câu hỏi, Bộ thấy không vi phạm mới được thanh toán, Bộ nhận phần khó khăn về cơ quan quản lý, bệnh nhân cứ vào bệnh viện là được giải quyết. Sau đó, ai vi phạm phải trả, không vi phạm Bộ thanh toán rủi ro.
Thông tư này là liên tịch, các Bộ có ý kiến khác nhau, tới đây khi có trả lời, Bộ sẽ ban hành. Ý kiến khác nhau, một “anh” kết luận. Nay hai bộ, một bộ không đồng ý thì một bộ đứng ngóng. Quốc hội xem thế nào, nếu có ý kiến khác nhau phải chuyển lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì mới xuống dân nhanh được. Nếu ban hành Nghị định, thông tư chậm, cái này mắc ở liên Bộ. Bộ Y tế nhận khó khăn.
Về việc cử tri than phiền phải đợi lâu khi khám chữa do thủ tục phiền hà, nhất là với bệnh nhân có bảo hiểm, Bộ trưởng Y tế thẳng thắn: Đúng là có phiền hà thật. Tôi đã ngồi một buổi sáng ở một bệnh viện lớn của Bộ, thấy bình quân một bác sĩ khám 80 bệnh nhân/ngày. Thực tế đã có cải tiến trong xếp hàng, kê đơn, chờ đợi… nhưng cốt lõi vẫn phải là tăng bác sĩ, cán bộ y tế mà ta đang rất thiếu. Mới giải quyết tình thế bằng cách nâng tuổi lao động.
Về trái phiếu, Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm: Theo quy định, chủ đầu tư là tỉnh thành, Bộ Y tế là trưởng ban chỉ đạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính cung cấp ngân sách, kinh phí.
Đời sống cán bộ y tế khó khăn, theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, có hai vấn đề. Thực chất một số lĩnh vực nặng nhọc khó khăn đặc thù cần giải quyết đã trình Chính phủ rồi, những ca phẫu thuật đặc biệt dài năm, sáu tiếng đồng hồ chỉ có 75.000 đồng. Nay lương cơ bản tăng ba lần chúng tôi cũng đề nghị tăng ba lần. Phụ cấp ngành nghề cũng đã đề nghị để giải quyết khó khăn. Đất nước ta vẫn nghèo, 15% dân số nghèo, 30% cận nghèo có lẽ từng bước y tế cùng ngành nghề khác cải thiện đời sống.
>> Xem tiếp nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu về vấn đề bệnh nhân nằm ghép, công nghiệp dược... tại đây.
Nhóm PV