Tôi là người đàn ông 41 tuổi, đã một lần ly hôn, có con 9 tuổi và sống với mẹ. Đến nay đã 5 năm sống một mình, tôi mới tìm được người phụ nữ tâm đầu ý hợp cũng đã "qua một lần đò". Chúng tôi muốn tiến tới hôn nhân khi cô ấy đang sống với con trai 7 tuổi và tuy cháu còn nhỏ nhưng nó không muốn mẹ lấy chồng. Cứ nói đến chuyện đó cháu lại bảo mẹ đừng lấy ai, chỉ cần hai mẹ con sống với nhau là đủ. Chính vì thế cô ấy rất phân vân. Cháu còn nhỏ nên giải thích cho con hiểu rất khó. Vì vậy cô ấy chỉ muốn chúng tôi yêu nhau theo kiểu “bồ bịch”, không sống chung một nhà cho con khỏi khổ. Có cách gì làm cho cháu tin rằng tôi sẽ là người cha tốt của nó và có thể chung sống hòa thuận không? Tôi không có chút kinh nghiệm gì về chuyện này. Rất mong chuyên gia tâm lý cho một lời khuyên!
Nguyễn Đình (Hà Nội)
Chỉ có thể chinh phục đứa trẻ bằng tấm lòng chân thành (Ảnh minh hoạ IT)
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa:
Anh Đình thân mến!
Trên đời có những khó khăn không phải chúng ta không vượt qua được nhưng vì không thấy tầm quan trọng của vấn đề, cho là chuyện trẻ con không đáng quan tâm. Thật ra khi anh kết hôn với một phụ nữ đã có con riêng mà đứa trẻ phản đối chuyện đó, rất khó sống êm đẹp được. Nhiều trường hợp đã phải chia tay.
Trước hết, anh phải thấy được rằng đứa trẻ đã không có sự lựa chọn, buộc phải yêu quý một người lạ là rất khó. Tình cảm nảy sinh phải có một quá trình từ quen biết đến cảm mến nhau. Có những đứa trẻ vì ngây thơ hoặc ích kỷ, không thể hiểu được vì sao mẹ con đang sống yên ổn lại có một người đàn ông ở đâu "nhảy" vào chia sẻ tình cảm mẹ con của nó? Nếu đứa trẻ quá nhỏ chưa hiểu gì thì giải pháp tốt nhất là tạo điều kiện để bạn làm quen, gây thiện cảm với nó.
Môi trường để anh làm quen đứa trẻ có thể không phải ở nhà mà ở những nơi công cộng, như công viên chẳng hạn. "Kịch bản" phải thế nào để đứa trẻ tưởng rằng chính mẹ nó cũng chưa quen người này. Khi đó, nó dễ dàng tiếp nhận người lạ một cách vô tư hơn, chứ không nghĩ rằng vì muốn lấy mẹ nên ông ấy giả vờ tốt với nó. Một đứa trẻ chỉ thỉnh thoảng mới gặp bố đẻ của nó, chắc chắn thiếu thốn tình cảm của một người cha. Do đó, khi gặp một người đàn ông yêu quý nó thực lòng, nó chẳng dễ khước từ. Nếu quá trình làm quen diễn ra một cách tự nhiên, có khi chính đứa trẻ sẽ mong muốn anh đến chung sống với mẹ con nó. Bước khởi đầu thành công sẽ tạo đà cho mối quan hệ cha con gắn bó sau này. Trái lại, nếu làm hỏng bước này, làm lại cực khó.
Thông thường, khi hai người lớn muốn âu yếm nhau, có mặt đứa trẻ là một trở ngại. Thậm chí hai người đang say sưa trong tình yêu, bất chợt đứa con ở đâu chạy về "bắt quả tang”, đa số người mẹ đều cảm thấy như mình có lỗi. Chẳng dễ dàng gì để một đứa trẻ công nhận ai đó là “bố” khi anh ta mới bước chân vào nhà nó. Cư xử với con riêng của vợ khó hơn với con đẻ của anh nhiều. Mẹ bao giờ cũng chỉ nhìn thấy mặt tốt của con. Trong khi anh khách quan hơn và anh đánh giá nó đúng hơn nhưng chính vì thế anh "mất điểm" với đứa bé.
Tình mẫu tử mang đặc trưng sinh học, tình cảm bố dượng với đứa trẻ lại mang nhân tố xã hội học. Nó không phát sinh một cách bản năng mà nó đòi hỏi anh phải tạo ra. Nhưng tôi tin rằng anh đã chinh phục được người mẹ thì anh thừa khả năng chinh phục đứa trẻ. Nếu anh không "diễn" mà anh yêu nó thực lòng thì anh sẽ hạnh phúc. Còn nếu anh coi nó là cái gai, anh sẽ không tìm hạnh phúc với mẹ nó. Hãy tin tôi, nếu anh được đứa trẻ yêu thì người mẹ mới hạnh phúc được, còn nếu anh để nó ghét, thậm chí có đứa đóng cửa không cho người yêu của mẹ vào nhà thì dù anh có lấy được người mẹ nó, hạnh phúc cũng là hoang tưởng. Thà cứ ai ở nhà người ấy, hò hẹn như hai người tình, lại vui vẻ hơn.