Bài 1: Tỉnh tích tụ đất, dân lo ngay ngáy
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Hà Nam đã tích tụ được gần 400ha ruộng đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo mất đất, những người dân làm chủ “bờ xôi ruộng mật” có rất nhiều trăn trở với những câu hỏi như: Doanh nghiệp lợi, dân không lợi?; hoàn trả như thế nào khi hết hạn? Nhiều người mong muốn giữ đất, được liên kết chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cây trồng vượt lên đói nghèo…
Nhiều hộ dân mong muốn giữ đất, được tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng cải thiện đời sống. Ảnh: Trần Dũng
Nhà nước đứng ra thuê và cho thuê đất
Theo Báo cáo số 10 ngày 2.2.2017 của UBND tỉnh Hà Nam, từ năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã bàn chủ trương tích tụ ruộng đất để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Đến cuối năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành kết luận chỉ đạo việc tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê để đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, nguyên tắc tích tụ phải đảm bảo quyền được Nhà nước giao đất lâu dài của người dân (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ dân giữ và quản lý); chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi giao lại cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên tinh thần đảm bảo lợi ích cao nhất cho người dân. Cùng với đó, các hộ dân có đất cho thuê sẽ được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng vào làm công nhân nông nghiệp cho doanh nghiệp với mức lương ổn định.
Để thực hiện tích tụ ruộng đất, đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xuống họp với dân để triển khai chủ trương và bàn cách thức, biện pháp thực hiện, phát huy tinh thần dân chủ người dân được biết, được bàn thấu đáo, được tháo gỡ khó khăn kịp thời...
Ông Đỗ Văn Vượng (Trưởng xóm 2, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, Hà Nam) phân tích nhiều nỗi niềm của bà con nông dân về tích tụ ruộng đất. Ảnh: Trần Dũng
Khởi điểm, cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hà Nam đã triển khai các dự án thí điểm, đầu tiên tích tụ 2ha đất tại xã Phù Vân (TP.Phủ Lý) và 21,6ha đất nông nghiệp tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân chuyển giao cho doanh nghiệp trồng rau, củ quả sạch trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Từ kết quả làm điểm và để cụ thể hóa, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 1281/KH-UBND xác định: Tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất theo hình thức chính quyền cấp xã, cấp huyện hợp đồng thuê đất nông nghiệp của các hộ dân, chính quyền cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại bằng đúng giá thuê của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện thực hóa kế hoạch trên, tỉnh đã quy hoạch chi tiết 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500ha gồm: Nhân Khang 118ha; Nhân Bình - Xuân Khê 240ha, Đồng Du - An Mỹ 121ha, Liêm Tiết 20ha. Tỉnh Hà Nam đã áp dụng chính sách ứng ngân sách để trả tiền thuê quyền sử dụng đất của các hộ dân trong 20 năm sau đó cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất và trả tiền thuê quyền sử dụng đất làm 2 lần (mỗi lần 10 năm). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tích tụ được gần 400ha đất nông nghiệp để cho các doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các địa phương triển khai tiên phong như: UBND TP.Phủ Lý tích tụ ruộng đất tại xã Phù Vân. Sau đó, giao cho Công ty CP An Phú Hưng (liên kết doanh nghiệp Nhật Bản) trồng thí điểm 2ha đậu bắp; tích tụ 34ha đất (xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân) cho Công ty CP An Phú Hưng thuê; hay Công ty VinEco đã nhận thuê 183ha đất tại 2 xã Xuân Khê và Nhân Bình (huyện Lý Nhân)...
Những trăn trở của người dân- ghi nhận từ thực tế
Dự án thuê 1 năm rồi trả lại:
Ghi nhận tại xã Phù Vân (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), nhiều người dân khẳng định, sau 1 năm chuyển giao 2ha đất nông nghiệp để cho thuê, doanh nghiệp đã trả lại phần diện tích này.
“2ha đất ruộng của gần 100 hộ dân, được thành phố thuê rồi giao cho công ty làm dự án điểm. Họ làm xong, trả lại hơn 1 năm rồi, họ mở rộng dưới huyện Lý Nhân. Lúc trả lại các thửa ruộng liền nhau, cỏ mọc chúng tôi cải tạo rất khó khăn. May mà có người dân ở làng thuê lại cả khu đất ấy để trồng dược liệu, cây lương thực. Giá rẻ hơn, nhưng mỗi nhà có vài miếng, thôi thì cho thuê còn hơn mất công chia, cải tạo lại”, một người dân cho biết.
Nhiều người dân xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân) băn khoăn, việc xây dựng kiên cố trên đất ruộng, sau khi hết thời hạn thuê doanh nghiệp có hoàn trả đúng hiện trạng ruộng đất ban đầu? .
Có mặt tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, PV ghi nhận nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng khác:
Đã nhận tiền thuê nhưng chưa nhận được hợp đồng?
Bà Nguyễn Thị Hương (trưởng xóm 1 xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân cho biết, năm 2015, Công ty CP An Phú Hưng thuê của hơn 10 hộ thuộc xóm 2 với diện tích gần 10.000m2 đất ruộng trong 10 năm; thỏa thuận trả 120kg ngô/sào, giá 6.000 đồng/kg ngô (tức 14.400.000 đồng/sào/20 năm). Thế nhưng, làm được gần 2 năm họ đã chuyển giao lại cho Công ty CP ĐT-PT nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam. Vừa rồi, huyện đứng ra thuê của dân bàn giao cho công ty mới này. Các hộ dân cũng đã nhận được tiền thuê là 21 triệu đồng/sào/20 năm. Hiện công ty mới đang xây dựng nhà lưới, ao, cống tưới tiêu...”, bà Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Hiền (Trưởng xóm 4, xã Nhân Khang) khẳng định, xóm 4 có 63 hộ cho huyện thuê gần 46.000m2 đất nông nghiệp. “Các hộ đã nhận 21 triệu đồng/sào/20 năm, nhưng chưa nhận được hợp đồng thuê”. Đồng thời, ghi nhận tại xóm 2, ông Đỗ Văn Vượng (trưởng xóm) xác nhận, các hộ dân đã nhận tiền cho thuê đất, nhưng chưa nhận được hợp đồng cho thuê do huyện thực hiện.
Hoàn trả như thế nào?
Cũng trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ băn khoăn, thời gian đầu thực hiện tích tụ việc vận động bà con rất khó khăn. Người dân lo sợ mất đất. Hiện nay, Công ty CP ĐT-PT nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích thuê của dân như nhà lưới, ao, kênh tưới tiêu, nhà điều hành. “Việc hoàn trả lại mặt bằng cho dân như thế nào cũng cần được đảm bảo. Sau khi hết hợp đồng, công ty phải giải phóng các công trình đã xây dựng nhưng họ có thực hiện không mới là vấn đề”, bà Hiền nói.
Tại sao không liên kết doanh nghiệp với nông dân cùng làm?
Phân tích vấn đề liên quan, ông Đỗ Văn Vượng (Trưởng xóm 2) cho biết: “Nhiều hộ dân trăn trở, thay vì tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp thuê, tại sao không liên kết doanh nghiệp với nông dân cùng làm. Doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật, người dân sản xuất tạo ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu. Như thế mới thực sự nâng cao được đời sống của người nông dân. Tích tụ cho thuê, dân nhận tiền một lần 21 triệu đồng/sào/20 năm, tiêu vèo một cái là hết. Chỉ doanh nghiệp được lợi, dân không có lợi”.
Muốn giữ đất, chuyển đổi cây trồng Phân tích thêm ông Vượng cho hay, trên địa bàn rất nhiều người tha thiết với nông nghiệp, muốn bứt phá làm ăn lớn. “Nhiều người như tôi muốn làm lớn, cũng có nhu cầu tích tụ đất, chuyển đổi cây trồng. Như nhà tôi đi thuê 2 mẫu ruộng, trồng cây ăn quả gồm: Cam, bưởi, ổi. Năm ngoái, đã có 7 sào cho thu hoạch lợi nhuận gần 200 triệu đồng, gấp rất nhiều lần trồng ngô, đậu tương. Việc chuyển đổi hiệu quả trông thấy, chính quyền nên tạo điều kiện cho dân làm tốt hơn tích tụ cho thuê”... |
Có đảm bảo được việc làm cho dân?
Cũng theo ông Vượng, trước khi đầu tư dự án, doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương. Cụ thể ưu tiên những người có đất cho thuê. “Vậy nhưng, thực tế có rất ít người được tuyển dụng. Chưa kể, làm nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhân lực có kỹ thuật, một số hộ cho thuê là người trung tuổi, ít học thì việc làm có được đảm bảo hay không?”.
“Mối quan tâm hàng đầu của chính quyền phải là đời sống kinh tế người dân, doanh nghiệp phải đứng sau dân”- ông Vượng nói.
Tích tụ đất đai là chủ trương lớn của các cấp chính quyền. Bạn đọc, bà con nông dân có ý kiến góp ý, đề xuất về các chủ trương này, xin gửi về hòm thư điện tử: nhanong@danviet.vn hoặc ntnnhn@gmail.com. Tiêu đề ghi rõ: Ý kiến góp ý về vấn đề tích tụ đất đai. |