Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Masan Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về thịt sạch tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 (Ảnh: Quốc Hải)
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang đã có buổi chia sẻ về những thiệt thòi mà người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu và định hướng về “giá trị thiết yếu” là nguồn cảm hứng lớn nhất làm nên thành công của Tập đoàn này.
Người Việt đang chịu thiệt thòi...
Mở đầu buổi nói chuyện, CEO Masan dẫn chiếu một con số thống kê khá bất ngờ, hiện ở khu vực nông thôn - nơi cư trú của hơn 60% dân số Việt Nam, người dân đang phải dành tới 50% thu nhập để chi cho các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày: thực phẩm và đồ uống, thực phẩm tươi sống (thịt) và các sản phẩm tài chính. Tuy nhiên, giá trị thiết yếu này đang mang lại kết quả không mấy khả quan cho người tiêu dùng dù chi phí tài chính mà người dân bỏ ra rất lớn.
Ông Quang dẫn chứng, trong lĩnh vực thịt, người Việt Nam đang trả giá cao hơn cho mỗi kg thịt họ mua ở chợ nhưng chưa biết thịt đó được nuôi ở đâu, giết mổ thế nào... Trong khi đó, với mức giá 150.000/kg thịt heo sạch hiện nay, chỉ có dưới 1% dân số Việt Nam có thể chi trả được. “Mức giá này đang cao hơn gần 2 lần so với người tiêu dùng Mỹ (2,1 USD/kg so với 1,5 USD/kg tại Mỹ). Điều đáng nói là nghịch lý ở chỗ thu nhập bình quân người tiêu dùng Việt chưa bằng 1/10 thu nhập bình quân của người Mỹ”, ông Quang phân tích.
Năm 2009, người tiêu dùng trả 0,2 USD/tháng cho các sản phẩm của Masan, nhưng đến năm 2016 đã lên 2 USD/tháng, tức gấp 10 lần. Còn đến 2020, Masan đặt mục tiêu người tiêu dùng trả 9-10 USD/tháng, tương ứng tập đoàn thu về 9-10 tỷ USD doanh số, ông Quang nói thêm. |
Một ví dụ khác mà ông Quang đưa ra để dẫn chứng cho sự “thiệt thòi” của người tiêu dùng, đó là người Việt lâu nay “ăn”... hình ảnh minh họa với sản phẩm mì gói.
“Lâu nay chúng ta đã đối xử bất công với người tiêu dùng khi trên gói mỳ là hình ảnh thịt gà, thịt bò hấp dẫn, nhưng rất ít người biết được một dòng chữ rất nhỏ ở phía sau gói mì, đó là dòng chữ ‘hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa’, điều này là vô lý và bất công khi Việt Nam là nước tiêu thụ mỳ ăn liền đứng thứ 4 thế giới nhưng người tiêu dùng chưa được cung cấp một gói mỳ ngon đúng nghĩa”, ông Quang nói.
Hoặc, điều tra của Masan cho thấy một con số khá bất ngờ: Mỗi người uống bia ở quán đang phải trả 100.000 đồng cho thứ... không phải là bia. Tức là những người tiêu dùng đang phải chi trả những chi phí bất hợp lý so với những gì mà họ đáng được thụ hưởng với mức chi phí bỏ ra...
Cơ cấu doanh thu của Masan (Ảnh: Quốc Hải)
Thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng, Masan sẽ thắng lớn
Nhiều người nghĩ rằng Masan hiện nay không còn là công ty tiêu dùng nữa nhưng chúng tôi tin rằng mình vẫn đang phụng sự các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng và đang tạo ra những giá trị lớn nhất cho người tiêu dùng - Thực sự chúng tôi đang tập trung cao độ cho mục tiêu này và khi thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng, Masan sẽ thắng lớn”, ông Quang khẳng định.
Để làm được điều này, trong năm qua, về mảng kinh danh chuỗi giá trị thịt, Masan đã thay đổi toàn diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco và ANCO thành những công ty theo mô hình hàng tiêu dùng nhanh FMCG, mang lại doanh thu thuần 24.423 tỷ đồng. Đặc biệt, việc động thổ trang trại nuôi heo công nghệ cao quy mô 10.000 nái tại Nghệ An và quan hệ hợp tác chiến lược với Vissan, Masan đã thiết lập được nền tảng quan trọng để phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong ngành hàng thịt trị giá 18 tỷ USD. Trong năm 2017, Masan kỳ vọng Masan Nutri-Science tăng trưởng doanh thu 20-30%.
Đại hội cổ đông Tập đoàn Masan ngày 24.4 (Ảnh: Quốc Hải)
“Hiện nay, 98% người Việt sử dụng thực phẩm và đồ uống của Masan. Ngoài ra, mọi người vẫn nghĩ là Masan chỉ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nhưng thực tế là công ty đang xây dựng chuỗi cung ứng thịt và các sản phẩm từ thịt. Theo đó, công ty đặt mục tiêu cung cấp thịt sạch với mức giá từ 65-70.000 đồng/kg cho thị trường 90 triệu dân, thấp hơn nhiều so mức giá thịt sạch ở cửa hàng quy mô nhỏ tới 150.000 đồng/kg, trong khi thịt đông lạnh nhập khẩu và không rõ nguồn gốc là 62-65.000 đồng/kg”, ông Quang nói.
Về mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống, hiện ngành đồ uống đóng chai đang tăng trưởng nhanh nhất tại Masan với 69% đối với đồ uống không cồn và 47% đối với bia trong năm 2016. Đặc biệt, vào tháng 10.2016, Masan đã tung ra nhãn hiệu gia vị đầu tiên ở Thái Lan là Chin-su Yod Thong. Công ty kỳ vọng mảng này sẽ đạt tăng trưởng doanh thu 5-10%.
Đối với Masan Resources, trong năm nay dự kiến doanh thu thuần tăng trưởng 22-27% và lợi nhuận 36-164%; đặc biệt Masan bác bỏ thông tin sẽ “thoái” khỏi dự án Núi Pháo như thông tin đang đồn đoán trên thị trường.
Năm 2016, doanh thu thuần của Masan đã tăng 41% lên mức 43.297 tỷ đồng. Biên lợi nhuận EBITDA tăng 45% từ 6.687 tỷ đồng trong năm 2015 lên 9.670 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng 89% lên 2.791 tỷ đồng, vượt 16% so với mục tiêu lợi nhuận đã điều chỉnh (2.400 tỷ đồng). |