Giải thưởng do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam (VSATH) tổ chức, bị phản ánh là mua bán danh hiệu, mang màu sắc kinh doanh đa cấp.
Vinh danh kèm lời mời chào... đóng tiền
Chương trình “Nhân tài đất Việt – thời đại Hồ Chí Minh” – “Nhà quản lý vì cộng đồng” do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam (VSATH) và Công ty Cổ phần Truyền thông và Phát triển thương hiệu Đại Việt dự kiến sẽ được tổ chức tháng 4.2017 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).
Banner Chương trình tôn vinh nhà khoa học của VSATH
Từ đầu năm 2017, Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam ban hành giấy mời các nhà khoa học dự hội thảo giải pháp thu hút và trọng dụng nhân tài, chuẩn bị cho lễ tôn vinh có tên “Nhân tài Đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” - “Nhà quản lý vì cộng đồng”. Giấy mời được đóng dấu đỏ và ký tên của ông Vũ Ngọc Phương – Chủ tịch Hội.
Đáng chú ý, kèm theo giấy mời tham gia hội thảo, bản mẫu đăng ký tham gia Chương trình “Nhân tài đất Việt - thời đại Hồ Chí Minh” - “Nhà quản lý cộng đồng”, ban tổ chức còn gửi kèm Bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện gồm 5 điều. Đây thực chất là hợp đồng dân sự đóng tiền giữa Ban tổ chức và nhà khoa học tham gia tôn vinh danh hiệu "Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh".
Nội dung của bản Hợp đồng này là nhà khoa học tham gia tôn vinh danh hiệu Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh phải tự nguyện đóng góp cho Ban tổ chức chương trình với 3 mức kinh phí là 10.000.000 đồng; 12.000.000 đồng; 14.000.000 đồng. Đơn vị nhận tiền là Công ty CP Truyền thông và phát triển thương hiệu Đại Việt, đại diện là bà Cao Thị Hiền Trang làm giám đốc có địa chỉ tại số 23, ngõ 63/30/11, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Mặc dù có tiêu đề là “Bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện” nhưng đọc các tài liệu trên của Ban tổ chức chương trình ai cũng hiểu rằng muốn được Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam (VSATH) tôn vinh danh hiệu cao quý “Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ chí Minh”, nhà khoa học bắt buộc phải bỏ ra ít nhất là 10 triệu đồng.
Mượn tên tuổi nhà khoa học để kinh doanh
Trong tờ nội dung chương trình gửi đến mời những người tham gia có in Bằng khen của Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam (VSATH) tặng GS.TTND Nguyễn Tài Thu do ông Vũ Ngọc Phương ký tên và đóng dấu. Nhưng khi chúng tôi làm việc với GS Nguyễn Tài Thu thì ông hoàn toàn không biết việc này. Theo GS Nguyễn Tài Thu, đây là một hình thức mượn tên tuổi các nhà khoa học để kinh doanh.
Cụ thể, trong cuộc làm việc với chúng tôi, GS.TTND Nguyễn Tài Thu nêu thắc mắc “Đại Việt là công ty nào?”. Ông cho biết cá nhân ông chưa bao giờ nhận Bằng khen của đơn vị này. Thậm chí, ông còn không liên quan gì đến Trung ương Hội VSATH. Theo GS Nguyễn Tài Thu, ông chỉ làm việc với Viện Khoa học nghiên cứu nhân lực và nhân tài. “Tôi chẳng biết đó là Hội nào, Chủ tịch Hội là ai tôi cũng chẳng biết. Có nhiều người cũng đã nói là có cái cậu nào cứ đem tên ông Thu ra để kiếm tiền”, GS.TTND Nguyễn Tài Thu bình luận.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhận được lời mời vinh danh nhưng ông Can đã từ chối. Tương tự, nhà văn Lê Minh Quốc (báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhận được lời mời vinh kèm theo thư mời hỗ trợ tự nguyện song ông Quốc đã không nhận lời.
Đánh trúng tâm lý háo danh
“Thật ra, cái trò “tôn vinh” ấm ớ kiểu này không lạ gì. Đã diễn ra nhiều lần ở các đơn vị khác nhau, tuy nhiên vẫn khối người tin theo chỉ vì nó đánh trúng vào tâm lý háo danh, miễn có tiền thì được “tôn vinh” - Nhà văn Lê Minh Quốc cho biết.
Với lời mời chào tự nguyện đóng tiền để được vinh danh, ông Quốc phân tích: Rõ ràng “tiền trao cháo múc” rạch ròi, sòng phẳng. Đồng tiền đã chi phối toàn bộ nội dung của cái gọi là “Tôn vinh”. Tôn vinh cái kiểu gì mà phải “tự nguyện” đóng tiền và có nghĩa vụ “Cung cấp đầy đủ nội dung thông tin, hình ảnh cho bên B”? Vậy hóa ra, chẳng hề có sự bình chọn, tuyển chọn, đánh giá gì ở đây sất!
Vì vậy, nhà văn Lê Minh Quốc thẳng thừng: “Tôi đã không dại dột tham gia; và nghĩ rằng chẳng ai ngốc dại để người ta “tôn vinh” bằng cách xỏ dây vào mũi”.
Sặc mùi đa cấp
Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú – Hà Nội) cho rằng, việc tôn vinh các các nhân tài của đất nước là việc nên làm và đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, tôn vinh mà yêu cầu người được tôn vinh phải đóng tiền là không phù hợp, không nên làm. Đây là yêu cầu vô cùng phản cảm khiến người được tôn vinh cảm thấy bị xúc phạm. Vấn đề tài chính được đề cập trực tiếp với các nhà khoa học khiến người ta hoài nghi về tính minh bạch của chương trình này.
Thông thường khi tổ chức chương trình tôn vinh thì đơn vị tổ chức có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp hoặc các mạnh thường quân mà không thu bất kỳ kinh phí nào từ người được vinh danh. Việc Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam gợi ý các nhà khoa học hỗ trợ kinh phí tự nguyện theo từng mức tiền cụ thể làm mất đi giá trị cũng như ý nghĩa việc tôn vinh biến vinh danh thành mua danh.
“Đóng góp lại còn theo các mức tiền nữa. Nghe sặc mùi đa cấp”, Luật sư Trương Anh Tú hài hước nói.