Đánh giá về việc này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, về nguyên tắc khi ĐBQH nào đó muốn thôi làm nhiệm vụ thì phải làm đơn gửi các cơ quan liên quan. Cụ thể, đơn đó phải gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì đây là nơi giới thiệu ứng cử viên ĐBQH. Mặt trận sẽ tổ chức xin ý kiến của nơi tổ chức bầu ĐBQH (trường hợp này là ở Hà Tĩnh). Sau đó Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị bất thường thông qua nghị quyết đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu.
Ông Võ Kim Cự.
Có 2 hình thức để Quốc hội cho một ĐBQH thôi làm nhiệm vụ. Một là miễn nhiệm và hai là bãi nhiệm. Miễn nhiệm được sử dụng trong trường hợp ĐBQH đó xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc chuyển sang công tác khác.
Ví dụ, gần đây nhất là việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khoá XIII đối với ông Thạch Dư (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh). Trước đó, ông Thạch Dư đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia.
Còn bãi nhiệm thì Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm theo đề nghị của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó.
Cá nhân bị bãi nhiệm tư cách ĐBQH gần đây là trường hợp bà Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội). Bà Nga bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam để điều tra tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà chung cư - biệt thự B5 Cầu Diễn. Với tỷ lệ trên 90% đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Châu Thị Thu Nga.
“Riêng trường hợp của ông Võ Kim Cự thì tôi không phát biểu nữa, vì tôi cũng đã nói nhiều lần. Cứ theo quy định mà thực hiện thôi” - ông Vũ Mão khẳng định.
Trao đổi với Dân Việt, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng nói: "Với trường hợp sai phạm mà đang đương chức thì nên rút lui trong danh dự, đừng để ngành chức năng vào cuộc mới xin từ chức, từ nhiệm. Nhất là trong bối cảnh việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đang được các cấp ngành thực hiện nghiêm túc, ai sai đều phải bị xử lý, không có vùng cấm nào".
Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, nếu ĐBQH Võ Kim Cự tự xin thôi làm nhiệm vụ vì lý do sức khỏe, quy trình giải quyết, xem xét sẽ khác so với ĐB bị Quốc hội bãi nhiệm.